Hành tây khan hiếm
Lalaine Basa – chủ một cơ sở kinh doanh đồ ăn ở phía bắc Manila cho biết cô sẽ mua 1kg hành tây thay vì 2 kg như công thức trước đây để làm món chả giò. Nguyên nhân là vì giá hành tây đang tăng cao tại Philippines.
Tại thủ đô Rabat của Morocco, bà Fatima không còn mua hành tây và cà chua vì chúng quá đắt. Thay vào đó, cô ấy lấy atisô để nấu tagine - món súp hầm thơm ngon của người Morocco. “Trên thị trường đang cháy hàng”, bà mẹ 3 con chia sẻ.
Những chia sẻ của 2 người phụ nữ sống cách nhau hơn 12.000 km đã cho thấy cuộc khủng hoảng về nguồn cung thực phẩm đang dẫn đến một vấn đề đáng báo động: các thành phần quan trọng đối với dinh dưỡng đang bị đe dọa.
Giá lúa mì và ngũ cốc đã giảm trong những tháng gần đây làm giảm đi lo lắng về khả năng tiếp cận các mặt hàng lương thực chủ lực. Tuy nhiên giờ đây thị trường rau củ quả lại đang bị rung chuyển, và mặt hàng đáng báo động nhất chính là củ hành tây.
Giá cả đang tăng vọt, thúc đẩy lạm phát và khiến các quốc gia phải hành động để đảm bảo nguồn cung. Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng một số hoạt động xuất khẩu, còn Kazakhstan, Philippines đã đưa ra các biện pháp bảo vệ nguồn cung.
Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo trong tháng này rằng không chỉ hành tây mà các mặt hàng khác như cà rốt, cà chua, khoai tây và táo cũng đang dần trở nên khan hiếm. Tại châu Âu, các kệ hàng trống rỗng tại các siêu thị đã buộc cơ quan chức năng phải chia định mức lượt mua hàng của một số loại trái cây và rau củ cho người dân.
Hành tây là nguyên liệu chính của các món ăn trên khắp thế giới, là loại củ gia vị được tiêu thụ nhiều nhất sau cà chua. Khoảng 106 triệu tấn được sản xuất hàng năm — gần bằng cà rốt, củ cải, ớt, tiêu và tỏi cộng lại. Chúng được sử dụng trong mọi thứ, từ hương liệu cơ bản của món cà ri và súp cho đến lớp phủ chiên trên xúc xích ở Mỹ, nơi hợp đồng giao dịch tương lai của chúng đã bị cấm kể từ năm 1958.
Giá cả tăng vọt là hậu quả dây chuyền của lũ lụt thảm khốc ở Pakistan, sương giá làm hư hại các kho dự trữ ở Trung Á và xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, ở Bắc Phi, nông dân phải vật lộn với hạn hán nghiêm trọng và sự gia tăng chi phí hạt giống và phân bón.
Thời tiết xấu đã ảnh hưởng nặng nề đến những người trồng trọt ở Ma-rốc. Tại một khu chợ ở quận Ocean, trung tâm Rabat, bà Fatima cho biết giá rau vẫn cao ngất ngưởng ngay cả khi Chính phủ ban hành lệnh cấm vận chuyển hành tây và cà chua đến Tây Phi trong tháng này.
Rau đắt hơn thịt
Ở Philippines, tình trạng khan hiếm hành đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt mọi thứ từ muối đến đường trong vài tháng qua. Giá cả trở nên cao một cách vô lý đến mức chúng trở nên đắt hơn cả thịt và thậm chí các tiếp viên hàng không bị bắt quả tang buôn lậu chúng ra khỏi Trung Đông. Chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos cũng đã đẩy mạnh nhập khẩu để đối phó với lạm phát cao nhất trong 14 năm qua.
Bà Basa, 58 tuổi, kinh doanh gần 3 thập kỷ ở tỉnh Bulacan chuyên cung cấp dịch vụ tổ chức sinh nhật và đám cưới cho biết: “Tôi chỉ sử dụng những mẩu hành tây nhỏ nhất. Tôi phải điều chỉnh vì không muốn tăng giá quá cao rồi mất khách”.
Tại Kazakhstan, giá hành tăng vọt đã khiến các nhà chức trách phải khai thác các kho dự trữ chiến lược trong khi Bộ trưởng thương mại của nước này kêu gọi mọi người không mua hành tây theo bao tải để dự trữ trong bối cảnh người dân hoảng loạn tìm nguồn cung tại các siêu thị địa phương.
Lệnh cấm xuất khẩu cũng được đưa ra trong những tuần gần đây bởi Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan - những nước tiêu thụ bình quân đầu người hàng đầu thế giới nhờ món qurutob có nhiều hành tây.
Hiện tại, trong khi nhiều Chính phủ vui vẻ trợ cấp nhập khẩu lúa mì hoặc bột mì để giữ cho người dân của họ được đầy đủ, thì sự hỗ trợ cho người trồng rau lại rất hạn chế. Kết quả là thế giới sản xuất quá nhiều ngũ cốc giàu tinh bột, đường và dầu thực vật so với nhu cầu dinh dưỡng nhưng chỉ đáp ứng khoảng 1/3 lượng trái cây và rau củ cần thiết.
Theo Bloomberg, FT