Nhiều quốc gia châu Phi đang chuyển sang sử dụng vàng để phòng ngừa rủi ro địa chính trị và bảo vệ đồng nội tệ trước sự mất giá mạnh.
Nigeria, Uganda, Zimbabwe, Madagascar và một số quốc gia châu Phi khác đã có động thái tăng dự trữ vàng và thậm chí bảo lãnh vàng cho đồng nội tệ.
Nam Sudan là quốc gia mới nhất thực hiện động thái trên. Cuối tuần trước, thống đốc ngân hàng trung ương nước này cho biết ông có kế hoạch tăng cường dự trữ vàng của đất nước.
Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Uganda đã công bố chương trình mua vàng trong nước. Theo đó, ngân hàng sẽ mua vàng trực tiếp từ các thợ mỏ thủ công địa phương nhằm giúp “giải quyết những rủi ro trên thị trường tài chính quốc tế”.
Vào tháng 6, Tanzania đã đưa ra kế hoạch chi 400 triệu USD mua 6 tấn vàng. Tiến sĩ Mwigulu Nchemba – Bộ trưởng Tài chính Tanzania, cũng đã ban hành chỉ thị nhằm hạn chế sử dụng rộng rãi đồng đô la Mỹ trong nước.
Nigeria cũng đã đưa ra kế hoạch mua vàng trong nước để tăng cường kho dự trữ. Ngoài việc mua vàng có nguồn gốc tại địa phương, ngân hàng trung ương Nigeria đã cũng có ý định đưa dự trữ vàng hiện có về đất nước “để giảm thiểu rủi ro liên quan kinh tế Mỹ”.
“Các chỉ số kinh tế như lạm phát, nợ khủng và căng thẳng địa chính trị khiến các nhà hoạch định chính sách Nigeria lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ”.
Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Madagascar cũng đã triển khai chương trình mua vàng trong nước khi doanh thu từ xuất khẩu vani giảm.
Một nhà phân tích cho biết: “Các ngân hàng trung ương có thể bổ sung vàng vào dự trữ chính thức bằng cách sử dụng đồng nội tệ, cho phép họ tăng tài sản dự trữ mà không phải hy sinh các loại dự trữ ngoại tệ mạnh khác”.
Trong khi đó, một ứng cử viên tổng thống ở Ghana gần đây cho biết ông sẽ hỗ trợ tiền tệ của nước này bằng vàng nếu thắng cử. “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là là hỗ trợ đồng nội tệ bằng vàng”.
Trong khi đó, vào đầu năm nay, Zimbabwe đã tạo ra một loại tiền tệ được hỗ trợ bằng vàng, được gọi là ZiG, nhằm thay thế đồng đô la Zimbabwe. Đồng tiền này chủ yếu được hỗ trợ bằng vàng, nhưng cũng được hỗ trợ bằng các dự trữ ngoại hối khác bao gồm đô la Mỹ.
Ở một mức độ nào đó, các nhà lãnh đạo châu Phi và các ngân hàng trung ương đang cố gắng giải quyết những vấn đề mà họ gây ra vì in quá nhiều tiền và vay nợ nhiều bằng đô la Mỹ. Nhưng họ cũng lo ngại về việc Mỹ vũ khí hóa đồng đô la và những rủi ro khác liên quan đến đồng bạc xanh, bao gồm chi tiêu quá mức và nợ quốc gia ngày càng tăng.
Một chuyên gia về thị trường mới nổi của Tellimer (Dubai) nhận định: “Đối với các quốc gia cho rằng giá vàng sẽ tăng, hay giá đồng đô la Mỹ sẽ giảm hoặc khả năng tiếp cận đồng đô la Mỹ của họ có thể bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt, thì việc tăng dự trữ vàng là điều hợp lý”.
Theo BI