Lỗ hổng pháp lý đang tạo ra “vấn nạn chung cư mini”

Lê Sáng | 12:39 16/09/2023

Đến nay, khái niệm “chung cư mini” vẫn chưa được công nhận và theo HOREA thì chính những lỗ hổng pháp lý đã và đang tạo ra “vấn nạn chung cư mini”.

Lỗ hổng pháp lý đang tạo ra “vấn nạn chung cư mini”
Theo HOREA, chính những lỗ hổng pháp lý đang tạo ra “vấn nạn chung cư mini”. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Bình luận với MarketTimes, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HOREA) nhận định Luật Nhà ở 2014 đã làm phát sinh nhiều “nhà chung cư mini biến tướng” tại các đô thị, là một trong nhiều nguyên nhân làm quá tải kết cấu hạ tầng khu vực, không phù hợp với quy hoạch đô thị.

Cụ thể, theo ông Châu, trước đây, Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90/2006/NĐ-CP không cho phép xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân thành “nhà chung cư mini biến tướng”. Chỉ đến năm 2010, tại Khoản 3 Điều 43 Nghị định 71/2010/NĐ-CP mới cho phép xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân thành “nhà chung cư mini biến tướng” (Hiệp hội nhận thấy quy định này không phù hợp với Luật Nhà ở 2005) nhưng sau đó đã được luật hoá tại Điều 46 Luật Nhà ở 2014.

le-hoang-chau.jpeg
ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM

Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014 quy định: “2. Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở. Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó”.

Theo Chủ tịch HOREA, các quy định trên đã làm phát sinh nhiều “nhà chung cư mini biến tướng” tại các đô thị với 100% căn hộ mini, phòng ở. Đây là một trong nhiều nguyên nhân làm quá tải kết cấu hạ tầng khu vực, phá vỡ quy hoạch đô thị, dễ tạo ra những khu căn hộ “ổ chuột”, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà.

Cần sửa vấn đề từ gốc

Lý giải về những vấn đề phát sinh liên quan đến loại hình “chung cư mini”, theo ông Lê Hoàng Châu việc quy định theo hướng của Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014 dẫn đến các “nhà chung cư mini” có 100% căn hộ mi-ni không phù hợp với “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư” quy định căn hộ nhà chung cư có diện tích sử dụng tối thiểu 25 m2 và số lượng căn hộ nhỏ có diện tích dưới 45 m2 không được vượt quá 25% tổng số căn hộ của dự án.

Do đó, theo ông Châu, HOREA đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét sửa đổi Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014 để ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng xây dựng “nhà chung cư mini, biến tướng” để bán, chuyển nhượng các “phòng ở mini” tại các đô thị.

Cụ thể, theo ông Châu, kiến nghị của HOREA theo hướng cần quy định hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở.

Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín theo Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng quốc gia về nhà chung cư và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.

Trường hợp nhà chung cư mà tất cả các căn hộ có diện tích sử dụng tối thiểu và phòng ở theo quy định của Bộ Xây dựng thì chỉ được cho thuê, không được bán, chuyển nhượng từng căn hộ, hoặc từng phòng ở.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lỗ hổng pháp lý đang tạo ra “vấn nạn chung cư mini”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO