Thông tin tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 21/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay đạt 3,48 triệu tỷ đồng.
Số liệu của NHNN trước đó cho biết, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tính đến cuối năm 2023 đạt 2,89 triệu tỷ đồng. Như vậy, lượng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực này đã tăng thêm khoảng 590.000 tỷ đồng chỉ trong vòng hơn 1 năm, tương đương với mức tăng trưởng khoảng 20%.
Theo Thống đốc, hiện rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Do đó, nếu tháo gỡ được sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, tăng lưu thông dòng tiền, hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng.
"Chúng tôi rất phấn khởi khi có các cải cách tháo gỡ khó khăn, giảm tầng nấc trung gian, làm sao rút ngắn thời gian phê duyệt, triển khai dự án. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và dòng tiền sẽ quay về ngành ngân hàng nhiều hơn, tạo điều để ngành ngân hàng tiếp tục cung cấp tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, giúp việc giảm lãi suất cho vay thuận lợi hơn", Thống đốc cho biết.
Nhiều ngân hàng tăng mạnh cho vay bất động sản trong năm 2024
Dữ liệu từ báo cáo tài chính quý 4/2024 cho thấy nhiều ngân hàng đã tăng mạnh dư nợ cho vay kinh doanh BĐS (chưa bao gồm trái phiếu và các khoản cho vay cá nhân mua nhà) trong năm vừa qua.
Kết thúc quý 4/2024, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh BĐS của VPBank đạt 186.736 tỷ đồng, tăng 62,5% so với cùng kỳ và chiếm gần 30% tổng dư nợ tín dụng.
Với SHB, dư nợ tín dụng kinh doanh doanh BĐS tính đến 31/12/2024 đạt 122.977 tỷ đồng, tăng 67,8% so với cuối năm 2023.
Đến cuối năm 2024, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS tại HDBank đạt 68.291 tỷ đồng, tăng 17,2% so với 2023, chiếm 15,4% tổng dư nợ. MB cho vay kinh doanh BĐS 55.082 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cuối năm 2023 và chiếm 7,85% tổng dư nợ.
Không chỉ các ngân hàng lớn, dư cho vay kinh doanh BĐS của nhiều ngân hàng vừa và nhỏ đã mở rộng rất mạnh trong năm 2024.
Đơn cử tại VIB, con số này tăng tới 240%, lên mức gần 5.700 tỷ đồng. Tương tự, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS của KienlongBank tại thời điểm cuối năm 2024 đạt hơn 9.100 tỷ đồng, gấp 4 lần mức ghi nhận cùng thời điểm năm 2023.
Trong năm 2024, BVBank tăng gần 53% dư nợ cho vay kinh doanh BĐS, PGBank tăng 38% và TPBank tăng 46%.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong bối cảnh nào, kể cả ngành bất động sản khó khăn nhất, thời kỳ các doanh nghiệp bất động sản gần như không còn cơ hội để phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực này vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy, ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, theo vị này, các doanh nghiệp bất động sản phải có sự chia sẻ bởi nếu đến hạn không trả được sẽ dẫn đến nợ xấu. Nguồn vốn của ngân hàng luôn đồng hành với những doanh nghiệp làm ăn kinh doanh có tiềm lực, đầu tư dự án minh bạch, rõ ràng. Những dự án, doanh nghiệp này sẽ được tiếp cận vốn vay thuận lợi.
"Năm 2025 và cả năm tiếp theo, ngành ngân hàng sẽ vẫn luôn đồng hành với doanh nghiệp, nguồn vốn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vốn đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, ngành ngân hàng chỉ đầu tư vốn ngắn hạn, còn vốn trung dài hạn phải thông qua thị trường vốn như trái phiếu, chứng khoán", ông Hùng nhận định.