"Lịch sử báo chí Việt Nam gắn với sứ mệnh thiêng liêng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân"

Bảo Châu - Quang Minh | 15:25 16/06/2024

Đó là những chia sẻ đầy tâm huyết của Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 22/6/2025).

"Lịch sử báo chí Việt Nam gắn với sứ mệnh thiêng liêng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân"
Lịch sử báo chí Việt Nam gắn với sứ mệnh thiêng liêng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Có thể nói năm 2024 là năm tiền đề hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Đánh dấu mốc son lịch sử ra đời số báo “Thanh niên” đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển với biết bao thăng trầm, biến động, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang giữ một vai trò quan thiết, chi phối mọi mặt đời sống, xã hội, trở thành một trong những công cụ hàng đầu góp phần truyền bá thông tin, cung cấp tri thức, định hướng những giá trị tinh thần tốt đẹp, nâng cao dân cao dân trí quốc gia…

​​Ở thời kỳ đầu, khi thực dân Pháp nổ tiếng súng mở màn cuộc xâm lược Việt Nam tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng (1858), họ đã hoạch định một chiến lược đô hộ hết sức quy mô và bài bản mà trong đó vấn đề ngôn ngữ, văn hóa và báo chí đã được đặt ra như một ưu tiên hàng đầu, vì mục tiêu “đồng hóa” người Việt, mang văn minh phương Tây truyền bá sâu rộng hơn nữa vào lãnh thổ nước ta.

Thời kỳ này, Pháp đã ra sức truyền bá chữ quốc ngữ, đồng thời cho xuất bản nhiều tờ báo bằng loại văn tự này để dễ dàng phổ biến văn hóa phương Tây, đặc biệt là đạo Công giáo ở Việt Nam. Do đó, hầu hết những người viết văn, làm báo đầu tiên ở Việt Nam đều là những người Công giáo.

Để hiện thực hoá mục tiêu đó, những năm từ 1865 - 1945, báo chí Nam Kỳ (đặt dưới sự cai quản của Pháp) đã phát triển mạnh mẽ với sự nở rộ của nhiều tờ báo viết bằng chữ Pháp, chữ quốc ngữ, chữ Hán kết hợp chữ quốc ngữ. Báo chí được xuất bản đa dạng từ hình thức tới nội dung.

Bên cạnh các tờ báo chuyên về mảng thời sự, chính trị, công vụ như Gia Định Báo (1865), cũng tồn tại những tờ báo với phong cách nội dung hướng tới các đối tượng độc giả riêng như: Nông Cổ Mín Đàm chuyên về kinh tế; Thông Loại Khóa Trình chuyên về văn hóa, Phụ nữ Tân Văn – báo phụ nữ, Nam Kỳ địa phận báo về công giáo… Đến trước thế chiến I, báo chí Nam Kỳ chiếm ¾ báo chí cả nước. Trong đó, nổi bật là các tờ như: Gia Định Báo (1865- đầu thế kỷ XX) – tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta, được giao cho Trương Vĩnh Ký (“ông tổ của nghề báo Việt Nam”) phụ trách vào năm 1869.

Ở Bắc Kỳ, do một vài yếu tố khách quan, sự hình thành và phát triển của báo chí diễn ra chậm hơn. Tuy nhiên, so với miền Nam, vùng đất Bắc Kỳ có ưu thế về bề dày và chiều sâu văn hóa, lịch sử, đội ngũ trí thức là những nhà báo tiềm năng cũng như nhu cầu sử dụng báo chí làm công cụ đấu tranh chính trị, văn hóa, xã hội, hứa hẹn sẽ là nơi chứng kiến sự nở rộ của báo chí sau này.

Trước sự “xâm lược" mạnh mẽ trên mặt trận thông tin truyền thông, ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chính thức sáng lập tờ báo Thanh Niên - đánh dấu mốc son đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ khi có Báo Thanh Niên, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Có thể khẳng định, Báo Thanh niên mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo nhiều báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…

Giai đoạn 1945 - đến nay, từ khi chúng ta tuyên bố độc lập chủ quyền, đánh dấu những thành tựu rực rỡ của nền báo chí Cách mạng qua những cột mốc son lịch sử báo chí Việt Nam, khi mỗi nhà báo, phóng viên đều là một “người thư ký trung thành” của thời đại, luôn luôn song hành cùng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong dấu son chói lọi đó, ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức. 

Ngày 5/2/1985, nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí Việt Nam.

Đến ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cùng điểm lại những mốc phát triển của toàn bộ nền báo chí Việt Nam nói chung và Báo chí Cách mạng nói riêng để thấy được toàn bộ tiến trình lịch sử thăng trầm mà vẻ vang của sự nghiệp báo chí nước nhà; từ đó có được cái nhìn sâu sắc hơn về sức mạnh, tầm ảnh hưởng của báo chí đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thêm thấu hiểu và trân trọng những lao động nhọc nhằn mà vinh quang của người làm báo xưa và nay.

Không những thế, cho tới ngày hôm nay, trong thời đại hội nhập, đổi mới, nền báo chí nước nhà một mặt đã có những bước chuyển mình để phù hợp với bối cảnh hiện đại, mặt khác vẫn khẳng định được vị thế quan trọng của mình trong việc truyền bá tri thức, văn hóa, định hướng những mục tiêu phát triển bền vững cho xã hội, đồng thời nhanh chóng nắm bắt và cung cấp đầy đủ những thông tin khách quan, chân thực, chính xác nhất tới mọi người dân Việt Nam.

Như Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa từng chia sẻ: "Hướng tới 100 năm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta đang có một nền báo chí cách mạng hiện đại, phong phú, kịp thời với mục tiêu cao quý nhất, sứ mệnh thiêng liêng nhất là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân".


(0) Bình luận
"Lịch sử báo chí Việt Nam gắn với sứ mệnh thiêng liêng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO