Nhà Trắng “nặng lời” khi toan tính gặp trở ngại
Nhà Trắng cáo buộc OPEC+ đứng về phía Nga sau khi nhóm do Ả rập Xê út dẫn đầu đã đồng ý cắt giảm mạnh sản lượng dầu mỏ. Đây là đòn giáng mạnh vào các quốc gia đang chống chọi với lạm phát năng lượng, bao gồm cả những người phương Tây quyết định quay lưng với dầu mỏ của Nga.
Với 2 triệu thùng dầu bị cắt giảm mỗi ngày, tương đương 2% tổng nguồn cung toàn cầu, OPEC+ kỳ vọng giá sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, mức giảm thực tế có thể chỉ vào khoảng hơn 1 triệu thùng dầu/ngày, nhất là khi nhiều nước còn đang phải vật lộn nhằm đạt được mục tiêu khai thác của họ những tháng gần đây.
Trước cuộc họp, Mỹ đã nỗ lực vận động hành lang để thay đổi quyết định của OPEC+. Đây cũng là một trở ngại đáng kể cho chính quyền Tổng thống Joe Biden, người đang cố gắng tìm cách hạ giá xăng dầu trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng diễn ra trong tháng 11 tới. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn ngăn Nga thu thêm lợi ích từ xuất khẩu năng lượng.
Khi mục tiêu không đạt được, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã dùng những từ ngữ nặng nề để chỉ trích động thái của OPEC+. Chính quyền Biden cho rằng đây là “một quyết định thiển cận” trong thời điểm “duy trì nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu là điều tối quan trọng”. Bà Karine thì nói rằng OPEC+ rõ ràng đã “đứng về phía Nga”.
Đáp lại quyết định của OPEC+, Mỹ cho biết họ sẽ tiếp tục mở kho dự trữ chiến lược “khi thích hợp” cũng như đang cố gắng có những động thái để “tăng nguồn cung dầu nội địa”.
Ông Biden được cho sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ nhằm cho ra một luật để “giảm bớt sự kiểm soát của OPEC với giá năng lượng”. Dường như Nhà Trắng đang muốn đề cập đến NOPEC, một dự luật được thiết kế để chống các hành vi độc quyền. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ đã xem xét NOPEC từ lâu nhưng chưa bao giờ thông qua.
Giá dầu đã tăng mạnh sau quyết định của OPEC+. Dầu Brent hiện được giao dịch ở mức 93,64 USD/thùng còn dầu WTI đã vượt 88 USD.
Các nhà xuất khẩu dầu sẵn sàng trả giá
Các nhà phân tích cho rằng động thái của nhóm xuất khẩu dầu mà Ả rập Xê út dẫn đầu sẽ gây thiệt hại đáng kể cho nỗ lực của các chính phủ phương Tây nhằm hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Quyết định này cũng là một ngưỡng quan trọng khác trong liên minh năng lượng kéo dài 75 năm giữa Ả rập Xê út với Mỹ.
Thậm chí, các chuyên gia về OPEC cho rằng Ả rập Xê út có thể sẽ phải gánh những “hậu quả chính trị” khi bị cáo buộc đứng về phía Nga. Tuy nhiên, có lẽ các nước xuất khẩu dầu sẵn sàng trả giá.
Về phần mình, các nước xuất khẩu dầu cũng đã lên tiếng phản bác. Bộ trưởng Năng lượng của Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, bác bỏ quan điểm cho rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ gây tác động tiêu cực tới người tiêu dùng toàn cầu. Thay vào đó, nhóm này cho rằng cắt giảm sản lượng sẽ khuyến khích đầu tư dài hạn vào ngành công nghiệp dầu mỏ.
Quyết định của OPEC+ đươc đưa ra sau khi EU đồng ý với kế hoạch áp giá trần của Mỹ nhằm vào dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Ả rập Xê út và các nước Vùng Vịnh khác thì lo ngại kế hoạch này sẽ khiến giá dầu giảm trên diện rộng và thậm chí còn được sử dụng để chống lại chính họ trong tương lai.
Amrita Sen, nhà phân tích dầu mỏ tại Energy Aspects, cho biết: “Đây là dấu hiệu rõ ràng về sự bất mãn của OPEC với giới hạn giá. Bất kể việc giới hạn giá có hiệu quả hay không, họ vẫn coi đây là một tiền lệ nguy hiểm”.
Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais thì lập luận rằng nhóm này đang mang lại “an ninh” và “ổn định” cho thị trường năng lượng. “Mọi thứ đều có giá. An ninh năng lượng cũng có cái giá của nó”, ông al-Ghais nói.
Suhail Al Mazrouei, Bộ trưởng Năng lượng của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, cũng nói rằng nhóm đang tập trung ngăn chặn cú sập của giá dầu như đã từng xảy ra trong năm 2008 và không muốn tham gia vào các cuộc thảo luận về vai trò của Nga trên thị trường.
“Ở châu Âu, họ có câu chuyện của riêng họ. Ở Nga, họ có chiến lược của họ. Chúng tôi không đứng về phía quốc gia này hay liên minh kia”, ông Mazrouei nhấn mạnh.
Thực tế, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã không ủng hộ lời kêu gọi gia tăng sản lượng của Mỹ kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Thái tử Mohammad bin Salman và Chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa được hâm nóng trở lại. Ông Salman từng bị Nhà Trắng dưới thời ông Biden chỉ trích vì liên quan đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi, một người bất đồng chính kiến, bị sát hại.
Trong khi đó, hôm 28/9, Thái tử Mohammad bin Salman đã chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng Ả rập Xê út. Vai trò thủ tướng trước đó do Quốc vương Salman bin Abdulaziz đảm trách. Dù chưa chính thức trở thành quốc vương nhưng truyền thông cho rằng Thái tử Mohammad bin Salman là người nắm thực quyền ở nền kinh tế Vùng Vịnh giàu dầu mỏ. Và mối quan hệ không tốt với vị Thái tử này rõ ràng gây ra những bất lợi cho ông Biden.
Tham khảo: FT