Lão Vương ở một ngôi làng miền núi thuộc Trùng Khánh, Vân Nam, Trung Quốc, nuôi một đàn cừu hơn 30 con. Công việc hằng ngày của ông cụ này là sáng lùa đàn cừu của mình lên núi ăn cỏ, sau đó lại lùa chúng về nhà.
Hôm nọ, khi đang lùa cừu đi ngang qua một vách đá, ông Vương nhìn thấy một cây gỗ rất độc đáo, có hình dáng trông giống như một con thiên nga đang ngẩng cao đầu. Chắc mẩm cháu trai sẽ rất thích, ông cụ này liền nảy ra suy nghĩ nhặt nó về nhà cho cháu chơi.
Trên đường về, ông Vương gặp trưởng thôn. Nhìn thấy cây gỗ ông lão chăn cừu cầm trên tay, vị trưởng thôn này thoáng giật mình rồi nghiêm túc hỏi xem lai lịch của nó.
Khi biết ông Vương nhặt được cây gỗ này ở trên núi, trưởng thôn lo lắng nói rằng ông nghi ngờ cây gỗ này là Nhai bách - loài cây quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và đang được bảo vệ cấp độ hai ở Trung Quốc. Người khai thác và mua bán loại gỗ này có thể sẽ bị xử phạt nặng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, trưởng thôn khuyên ông Vương nên trình báo và giao nộp lại cây gỗ vừa đào được cho cảnh sát.
Ảnh minh họa: Kknews.cc
Nghe đến đây, ông Vương vô cùng sợ hãi nhưng cũng không quên cảm ơn vị trưởng thôn rối rít. Ông cụ cho biết vì thấy loại cây này có hình thù “vặn xoắn tự nhiên” tuyệt đẹp và chất gỗ có 2 màu độc lạ nên mới nhặt về chơi, nào ngờ lại nhặt trúng loại cây có trong danh mục cấm, thuộc loại thực vật được bảo vệ cấp quốc gia của Trung Quốc.
Ngay sau đó, ông cụ này cũng vội trình báo sự việc với cảnh sát Vân Nam, Trung Quốc. Họ cũng xác nhận với ông cụ rằng loại cây mà ông cụ đào được chính là cây Nhai Bách. Với thái độ thành thật của ông cụ, phía cảnh sát Trung Quốc cũng không truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, họ liền cử người đi tuyên truyền cho người dân trong vùng có thêm kiến thức về loại thực vật quý hiếm này nhằm tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra.
Tại sao gỗ Nhai bách lại quý hiếm đến vậy?
Theo Kknews.cc, cây nhai bách (tên khoa học thuja sutchuenensis) là chi bao gồm các loại cây lá kim trong họ Cupressacea, thân gỗ, cành dày, lá hình vảy. Loại cây này thường sinh trưởng chủ yếu ở các rặng núi hoặc sườn dốc ở vùng có độ cao trên 1500m so với mực nước biển.
Ảnh minh họa: Kknews.cc
Năm 1892, cây Nhai Bách được phát hiện tại tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc và nhanh chóng được đưa vào danh sách loại cây cần bảo tồn và cấm khai thác sử dụng. Vào năm 1999 cây tiếp tục được tìm thấy ở Trùng Khánh nhưng số lượng lúc này còn rất ít vì bị khai thác quá mức.
Loại cây này có 2 màu, trắng ở lớp vỏ và màu vàng hồng bên trong nên thường gọi là gỗ “song sắc“, hoặc có màu nâu sẫm khi đã phong hóa. Ngoài ra, gỗ của cây Nhai bách có lớp vân xếp lớp rất đẹp, trải qua hàng trăm nghìn năm vẫn lưu hương rất dễ chịu nên rất được ưa chuộng và thường được khai thác làm đồ nội thất. Cũng vì thế mà giá trị thu thập và kinh tế gỗ Nhai bách thường rất cao trên thị trường.
Nhiều người vì cái lợi trước mắt mà vẫn tiếp tục săn lùng và khai thác loại gỗ này. Đây là hành vi vi phạm pháp luật của Trung Quốc, gây nguy hiểm cho các loại thực vật được bảo vệ cấp quốc gia của đất nước này, lần được lên án mạnh mẽ. Bên cạnh đó, mọi người cũng nên nâng cao nhận thức để bảo vệ giống loài đang có nguy cơ tuyệt chủng này, đồng thời tránh bị kẻ xấu lợi dụng hay vướng vào vòng lao lý lúc nào chẳng hay.
(Theo Kknews.cc)