Tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp" do báo Người lao động tổ chức sáng nay (13/12), ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguồn vốn của nền kinh tế không chỉ có vốn tín dụng ngân hàng mà còn nhiều kênh khác.
Khơi thông nguồn vốn trung dài hạn để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng
Cụ thể, các nguồn vốn quan trọng như vốn tự có của doanh nghiệp (DN) tạo đòn bẩy rất lớn cho DN phát triển; kênh trái phiếu DN có quy mô lên đến 1,8 triệu tỉ đồng là kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng, mang lại nguồn vốn bền vững, ổn định, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn. Do đó, chúng ta có nhiều giải pháp khơi nguồn vốn trung dài hạn này, đáp ứng nhu cầu của DN. Và kết nối giữa các nguồn này là nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Có điều, ngành ngân hàng không thể mãi lo nguồn vốn trung và dài hạn cho DN vì ngân hàng cũng là DN. Nguồn vốn tín dụng không phải để cấp phát như nguồn vốn ngân sách và không hạ được điều kiện tín dụng để cho vay. Ngân hàng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt vì kinh doanh tiền. NH cho vay ra phải có trách nhiệm thu nợ để có nguồn trả cho người gửi tiền và vì vậy NH không được hạ chuẩn cấp tín dụng khi cho vay để đảm bảo khả năng thu hồi nợ.
Hiện ngành NH, tổng nguồn vốn ngắn hạn là trên 80%, 20% còn lại là các nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, ngành NH đang phải cho vay 50% tổng dư nợ cho nền kinh tế là trung dài hạn, con số này cho thấy ngành NH đang đối mặt với chênh lệch rất lớn về kỳ hạn giữa huy động và cho vay.
Điều này dẫn đến 2 rủi ro rất lớn, là rủi ro về thanh khoản và rủi ro chi trả cho người gửi tiền. Vì người gửi tiền chỉ gửi khoảng 6 tháng, trong khi ngân hàng có khoảng 50% số tiền gửi 6 tháng này đầu tư đến 5,10 năm thậm chí các dự án bất động sản đầu tư tới 20 năm. Nếu dòng tiền luân chuyển không tốt, nợ xấu phát sinh sẽ không có tiền trả nợ đến hạn 6 tháng cho người gửi tiền. Đây là rủi ro lớn nhất mà ngành NH quan ngại.
Một rủi ro nữa là rủi ro lãi suất. Lãi suất ngắn hạn biến động liên tục, trong khi đó lãi suất cho vay trung dài hạn thường 1 năm theo hợp đồng mới điều chỉnh. Và trong quá trình kinh doanh này, NH đối mặt rất nhiều rủi ro lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng cao, môi trường lãi suất có biến động lớn như giai đoạn hiện nay.
Theo Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, NHNN đã đưa ra rất nhiều quy định pháp luật, trong đó có tỉ lệ an toàn, tỉ lệ dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với lộ trình dài cả 5 năm để các NH nắn chỉnh lại hoạt động của mình theo hướng bền vững hơn. Thưo đó, NH thương mại thực hiện đúng chức năng của mình là cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ NH. Còn kênh vốn trung dài hạn cho nền kinh tế phải qua thị trường vốn, thị trường trái phiếu DN, thị trường cổ phiếu… Khoảng 3 năm trước chúng ta có nguồn vốn rất lớn vào Việt Nam là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp trên chứng khoán và thời điểm đó, NHNN đã mua được hơn 45 tỉ USD. Nhưng do biến động thời gian gần đây, những nguồn vốn này chậm lại.
Rõ ràng là các kênh dẫn vốn và nguồn vốn chảy vào “bể nước thanh khoản chung của nền kinh tế” đang nghẽn. Và nguồn vốn quan trọng nhất của nền kinh tế là đầu tư công nhưng vài năm trở lại đây, dù Chính phủ rất quyết liệt thúc đẩy nhưng kết quả giải ngân chậm nên sự lan tỏa vốn từ đầu tư công ra nền kinh tế rất chậm, dẫn đến vòng quay tiền tệ của ngành NH cũng chậm theo.
NHNN có chức năng in tiền, còn NH thương mại có chức năng tạo tiền, nghĩa là NH thương mại huy động tiền gửi của người dân để cho vay. Và quá trình tạo tiền này càng nhanh thì mạch máu của nền kinh tế càng lưu thông tốt hơn. Muốn vậy, phải có dòng tiền để hệ thống NH có thể huy động, trong đó quan trọng nhất là dòng tiền đến từ nguồn vốn đầu tư công được lan tỏa đến DN và người dân để tạo điều kiện cho NH huy động lại và tiếp tục cho vay, nhưng thời gian qua là khá hạn chế. Các kênh dẫn vốn vào "bể nước thanh khoản chung của nền kinh tế" và ra khỏi bể nước này để dẫn vào các mảnh ruộng khô nẻ đều đang gặp khó.
Tín dụng là kênh dẫn vốn lớn nhất cho nền kinh tế trong năm nay
"Từ đầu năm đến nay, kênh dẫn vốn lớn nhất đang chảy ra, cung ứng cho nền kinh tế là kênh tín dụng NH. Tăng trưởng tín dụng đến nay đạt trên 12%, mang lại gần 1,4 triệu tỉ đồng cho nền kinh tế. Qua đó cho thấy, ngành NH trong thời gian qua đóng góp rất lớn cho sự phục hồi tăng trưởng và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Dù vậy vẫn chưa đủ vì nhu cầu vốn của DN là rất lớn và cần được đáp ứng qua các kênh cung ứng khác”, ông Quang cho biết.
NHNN mới đây đã nới hạn mức (room) tín dụng cho hệ thống ngân hàng thêm 1,5%-2%, bổ sung vào chỉ tiêu định hướng đề ra từ đầu năm 14% để tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 của hệ thống có thể đạt khoảng 15,5-16%. Ở đây, cần làm rõ, cho dù NHNN chưa điều chỉnh tăng thêm room tín dụng như đề cập ở trên (1,5%-2%), thì đến nay tăng trưởng tín dụng của hệ thống mới xoay quanh 12%, như vậy vẫn còn 2% dư địa (so với định hướng 14% đầu năm) để TCTD tiếp tục mở rộng tín dụng cho nền kinh tế.
Như vậy, từ nay đến cuối tháng 12/2022 để hệ thống ngân hàng (NH) có thể cung ứng ra nền kinh tế phần dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại sau khi được NHNN điều chỉnh (3,5%-4%) là khá thách thức. Làm sao để ngành NH cung ứng, giải ngân được 300.000 - 400.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng mới khi các NH phải đảm bảo không hạ chuẩn cấp tín dụng trong bối cảnh nhu cầu vốn của DN và nền kinh tế rất lớn? Các tổ chức tín dụng (TCTD) về bản chất cũng là DN, là DN đặc thù – kinh doanh tiền – nên quyết định cho vay của TCTD phải dựa trên các điều kiện cấp tín dụng chuẩn, TCTD không thể hạ chuẩn khi cho vay để qua đó kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo khả năng thu hồi nợ; vì tiền cho vay ra nền kinh tế của TCTD là từ nguồn huy động của các chủ thể trong nền kinh tế.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái, xuất khẩu có nguy cơ giảm mạnh bản thân TCTD cũng phải đốt đuốc để tìm được DN tốt, đáp ứng được các điều kiện cấp tín dụng để cho vay. Do đó, đối với DN có tình hình tài chính lành mạnh, quản trị minh bạch, thị trường tiêu thụ ổn định… thì không chỉ 1 TCTD mà nhiều TCTD sẵn sàng và mong mỏi được cấp hạn mức tín dụng, duy trì quan hệ tín dụng với các DN này. Vốn tín dụng của ngành NH không thiếu, mà quan trọng là khả năng hấp thụ các nguồn vốn tín dụng này của nền kinh tế như thế nào. Với room tín dụng còn lại trong khoảng 3,5%-4% từ nay đến cuối năm 2022 là rất lớn, theo thống kê và xu thế hàng năm thì tháng 12 hàng năm thường chỉ tăng trưởng tín dụng khoảng 2-2,5%.