Đây là số liệu vừa được cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh trong tuần vừa qua.
Theo báo cáo của cơ quan Thường trực, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng lậu qua các đường mòn biên giới thời gian qua cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua tình trạng buôn lậu gia cầm giống diễn ra tại các đường mòn biên giới khu vực các xã Yên Khoá, Tú Mịch được gánh về các thôn bản biên giới, sử dụng xe mô tô chở qua các đường tỉnh lộ, liên xã về nội địa, sau đó đưa lên các xe ô tô tải nhỏ vận chuyển theo quốc lộ 1 A về các tỉnh nội địa tiêu thụ.
Trong nội địa, tình hình hình gian lận thương mại liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hoá, an toàn thực phẩm, đo lường, lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để gian lận về nguồn gốc xuất xứ vẫn lén lút diễn ra.
Số liệu của cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, trong tuần, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm 104 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, xử phạt vi phạm hành chính 72 vụ. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính hơn 813 triệu đồng. Trong đóng phạt vi phạm hành chính 391,25 triệu đồng, trị giá hàng hoá hơn 422 triệu đồng; Số vụ liên quan đến gia cầm, sản phẩm gia cầm là 7 vụ, tang vật vi phạm gần 38.000 con gà, vịt con giống.
Mới đây, thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, việc buôn lậu giống gia cầm vẫn diễn ra ở xã Tú Mịch, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình. Cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng ra quân bắt giữ 7 vụ, hơn 37.000 con giống gia cầm nhập lậu.
Thời gian tới, để tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các cấp sở ngành tập trung thực hiện Thông báo số 479/TB-UBND tỉnh ngày 04/10/2023 của UBND tỉnh về kết luận của đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón, lương thực, thực phẩm… hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và phòng, chống xuất nhập lậu xăng dầu qua biên giới.
Bên cạnh đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị liên quan. Các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh về việc chấp hành các quy định của pháp luật.
Tăng cường lực lượng triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, trinh sát, nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu có hiệu quả, không để hình thành đường dây, tụ điểm, điểm nóng về buôn lậu diễn ra tại địa bàn.