Láng giềng 'ngồi trên đống lửa' vì quy định khắt khe mới của EU, Việt Nam thích ứng ra sao?

Dy Khoa | 11:18 03/11/2023

Quy định mới của Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực từ 26/3/2023 nhằm bảo vệ và khôi phục rừng thế giới.

Láng giềng 'ngồi trên đống lửa' vì quy định khắt khe mới của EU, Việt Nam thích ứng ra sao?

Liên minh châu Âu cho biết Quy định về sản phẩm không phá rừng (EUDR), có hiệu lực vào ngày 29 tháng 6 năm 2023, là một phần trong kế hoạch hành động rộng lớn hơn nhằm giải quyết nạn phá rừng và suy thoái rừng lần đầu tiên được nêu trong Thông báo của Ủy ban về đẩy mạnh hành động của EU nhằm bảo vệ và khôi phục rừng thế giới năm 2019.

Theo Khmer Times, với chính sách mới này, việc xuất khẩu của một loạt mặt hàng được trồng ở Đông Nam Á như cao su, dầu cọ, đậu nành, gia súc, gỗ, ca cao và cà phê, bên cạnh một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng như da, sô cô la, lốp xe hoặc đồ nội thất dự kiến sẽ bị ảnh hưởng.

Theo EUDR, thương nhân hoặc đại lý đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu chúng phải có khả năng chứng minh rằng các sản phẩm này không có nguồn gốc từ đất bị phá rừng gần đây hoặc không góp phần vào suy thoái rừng. Quy định mới cũng bãi bỏ Quy định về Gỗ của EU.

EUDR cho phép các nhà sản xuất và công ty có thời gian đến tháng 12 năm 2024 để tuân thủ đầy đủ.

Một số nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia đã chỉ trích quy định mới và cho rằng đây giống một biện pháp bảo hộ dưới chiêu bài bảo vệ môi trường. Cũng có những lo ngại rằng EUDR có thể ảnh hưởng đến sinh kế của các nhà sản xuất nhỏ, nhóm chiếm phần lớn người trồng trọt ở các nước đang phát triển.

Là các nước sản xuất dầu cọ lớn, Indonesia và Malaysia gọi EUDR là “phân biệt đối xử” và Malaysia thậm chí đang tìm cách tăng gấp đôi xuất khẩu dầu cọ sang Trung Quốc trước các hạn chế của EU.

Tuy nhiên, cả hai nước này đã thành lập một lực lượng chuyên trách làm việc với EU về quy định mới.

a_worker_collects_sap_from_rubber_trees_in_chamkar_leu_district_of_kampong_cham_province_in_february._hong_menea.jpg
Cao su là một những mặt hàng của Campuchia có thể bị ảnh hưởng bởi quy định về sản phẩm không phá rừng của EU. Ảnh minh họa.

Tại Campuchia, có lo ngại rằng xuất khẩu cao su và đồ nội thất của nước này sang EU sẽ bị giám sát chặt chẽ theo quy định mới.

Theo Phòng Thương mại Châu Âu tại Campuchia (EuroCham), nhiều nông dân địa phương thiếu năng lực kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu thẩm định của các quy định mới cho phép người mua ở EU truy xuất nguồn gốc hàng hóa về trang trại nơi hàng hóa được trồng.

Theo quy định mới, nông dân hoặc thương nhân cần cung cấp tọa độ địa lý chính xác cho tất cả các thửa đất mà họ có nguồn gốc sản phẩm cũng như quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận đăng ký đồn điền.

Tuyên bố của EuroCham chỉ ra rằng ở Đông Nam Á, hệ thống thu thập và giám sát dữ liệu rất phức tạp, chậm và kém hiệu quả.

Thương mại xuyên biên giới cũng không được quy định trong khu vực. Ví dụ, một nước nhập khẩu cao su từ Campuchia và khi vào nước họ, nó được trộn với sản phẩm có nguồn gốc địa phương rồi xuất khẩu sang châu Âu. “Làm thế nào có thể truy tìm được những sản phẩm hỗn hợp này?”, tuyên bố đặt vấn đề.

Theo Martin Brisson, Giám đốc điều hành của EuroCham, quy định này mang đến cơ hội chuyển đổi thị trường và ngành lâm sản theo hướng minh bạch và bền vững hơn.

Martin nói với Khmer Times rằng việc không tuân thủ các quy định mới sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Campuchia trên thị trường EU.

Ông này đề nghị Campuchia giải quyết thách thức này thông qua việc tăng cường sự tham gia của các bên liên quan - bằng cách phát triển các mô hình kinh doanh bền vững nhằm khuyến khích các nhà sản xuất và công ty tham gia các chương trình truy xuất nguồn gốc.

Việt Nam ứng phó với EUDR ra sao?

gia-xuat-khau-tang-cao-xuat-khau-ca-phe-viet-nam-thu-ve-28-ty-usd-20230821111041.jpg
Ngành cà phê Việt Nam cần phải tuân thủ theo quy định chống phá rừng này. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho hay: Cà phê là mặt hàng xuất khẩu sang EU với số lượng lớn và ổn định, chiếm khoảng 42% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam hằng năm. Vì vậy, để ổn định và không biến động thị phần xuất khẩu cà phê sang EU, ngành cà phê Việt Nam cần phải tuân thủ theo quy định chống phá rừng này.

Theo ông Hải, Việt Nam có khoảng 90% diện tích cà phê được trồng tập trung từ mấy chục năm qua sẽ không vướng vào quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng (tổng diện tích cà phê của Việt Nam hiện khoảng 680.000-700.000ha).

Tuy nhiên, việc chứng minh nguồn gốc cà phê theo quy định của EU lại không hề đơn giản. Đặc biệt, đối với 10% diện tích cà phê còn lại, việc truy xuất nguồn gốc là khó khăn do diện tích manh mún, nhỏ lẻ với khoảng 1,3 triệu nông hộ, trung bình mỗi vườn, rẫy trồng cà phê dạng này chỉ có diện tích từ 0,5ha trở xuống tại 11 tỉnh trồng cà phê.

Số diện tích trồng cà phê dạng này trên thực tế là hợp pháp nhưng việc chứng minh nguồn gốc không phải dễ dàng do diện tích nhỏ, lẻ, nằm rải rác ở nhiều khu vực gần với rừng. Hơn nữa, kinh phí để thực hiện các thủ tục chứng minh truy xuất nguồn gốc đối với những vườn, rẫy cà phê không hề rẻ. Chi phí truy xuất nguồn gốc cà phê đến cấp xã thì có thể thực hiện được, còn đến hộ gia đình thì chi phí rất cao.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Diện tích cà phê trồng từ năm 2020 chủ yếu trồng xen với diện tích trồng cao su. Diện tích cà phê có nguy cơ rủi ro cao theo quy định của EU không nhiều.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, chúng ta phân định rõ ranh giới rừng và đất nông nghiệp để làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Riêng đối với những diện tích do Cục Trồng trọt đã cấp giấy chứng nhận thì chỉ cần làm báo cáo bổ sung để đàm phán với EU. Vùng chưa có chứng nhận, chưa có mã số vùng trồng thì cần thực hiện đẩy nhanh việc thực hiện đăng ký và cấp mã số vùng trồng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng đối với sản xuất nông sản, trong đó có cà phê là cơ hội để chúng ta cấu trúc lại ngành hàng, đặc biệt là cà phê phát triển bền vững. Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm nông sản là đòi hỏi tất yếu từ thị trường, trong đó có thị trường EU.


(0) Bình luận
Láng giềng 'ngồi trên đống lửa' vì quy định khắt khe mới của EU, Việt Nam thích ứng ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO