Mấy năm gần đây, những náo loạn trên chuỗi cung ứng toàn cầu khiến ý tưởng mang hoạt động sản xuất quay trở lại nước Mỹ nhận được nhiều sự chú ý hơn bao giờ hết.
Các nhà đầu tư, người tiêu dùng, các nhà quản lý và cả công chúng đều bàn tán sôi nổi. Chính quyền Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các sản phẩm siêu quan trọng như chip bán dẫn nên được sản xuất tại Mỹ thay vì gia công ở nơi khác. Các công ty được hưởng nhiều chế độ ưu đãi để quay trở lại (reshoring) và tạo ra nhiều việc làm hơn cho nước Mỹ.
Theo báo cáo của tổ chức Reshoring Initiative, khoảng 1.800 công ty Mỹ có dự định ít nhất là mang một phần hoạt động sản xuất về quê nhà trong năm nay. Trên thực tế, hoạt động reshoring cũng đã tạo ra 261.000 việc làm mới trong năm 2021. Trong 8 tháng đầu năm 2022, có tới 106 cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có đề cập đến từ “reshoring”, trong khi ở thời điểm cùng kỳ năm 2019 chỉ có 6 doanh nghiệp, theo số liệu của Capital IQ Transcripts.
Dẫu vậy bất chấp những bất ổn của chuỗi cung ứng và nhu cầu reshoring tăng cao, nỗ lực này đối diện với một số thách thức không nhỏ.
Bù đắp chi phí không hề dễ dàng
Đối với một số lĩnh vực như xe điện, vaccine, chip bán dẫn và năng lượng tái tạo, đã nhận được sự hỗ trợ của chính phủ để reshoring. Tuy nhiên, những ngành không được ưu đãi có thể nhận thấy chi phí reshoring sẽ vượt quá cả những lợi ích thu được vì chi phí nhân công cao cũng như phải có cơ sở hạ tầng mới.
Ví dụ, hãy nhìn vào ngành sản xuất các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Trong đại dịch, hầu hết lãnh đạo các bệnh viện đều cho biết họ rất quan tâm đến tính kiên cường của chuỗi cung ứng và yêu thích các sản phẩm “made in America”. Tâm lý này cùng với tình trạng nước Mỹ thiếu hụt trầm trọng khẩu trang N95 vào đầu năm 2020 đã thôi thúc các nhà sản xuất khẩu trang ở Mỹ ồ ạt đầu tư để mở rộng hoạt động sản xuất tại quê nhà.
Tuy nhiên nhu cầu về đồ PPE nội địa đã nhanh chóng bốc hơi sau khi những chiếc khẩu trang giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường ngay trong tháng 4/2020. Cuối cùng dẫn đến kết cục đáng buồn là rất nhiều công ty phải cắt giảm nhân sự hàng loạt và gặp khó khăn về tài chính. Sự thực là các tổ chức y tế và người tiêu dùng vẫn chọn những nhà cung ứng rẻ nhất, và các công ty Mỹ hoàn toàn không có lợi thế về chi phí.
Một giải pháp có vẻ phù hợp mà các công ty có thể tìm đến là tận dụng thị trường ngách, và để làm được điều đó thì họ phải thực sự phản ứng nhanh nhạy với các xu hướng có tính chất ngắn hạn. Ví dụ, thay vì sản xuất khẩu trang N95 thông thường, họ nên tập trung vào những cải tiến như khẩu trang có thể tái sử dụng, có thể tái chế hoặc phù hợp với từng loại khuôn mặt. Nhìn chung thì người tiêu dùng luôn sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho các sản phẩm có tính sáng tạo cao.
Mô hình kinh doanh của các công ty Mỹ không phù hợp với reshoring
Suốt 3 thập kỷ vừa qua, các doanh nghiệp Mỹ đã xây dựng mô hình kinh doanh sao cho có thể dễ dàng chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài nhằm tận dụng lao động giá rẻ. Do đó làm điều ngược lại rất khó. Nhưng không phải là không có cách.
Trước tiên, các doanh nghiệp cần chuyển đổi từ mô hình “just in time” (trong đó làm việc chặt chẽ với các nhà cung ứng để đảm bảo có vừa đủ lượng hàng tồn kho, không thừa không thiếu) sang chiến lược “just in case” (có lượng hàng tồn kho đủ lớn để giảm rủi ro hết hàng - trong trường hợp nhu cầu tăng vọt - xuống mức thấp nhất).
Tất nhiên, mô hình này có điểm bất lợi là chi phí kho bãi sẽ tăng lên và cũng có nguy cơ không bán được hàng như dự tính. Tuy nhiên, bằng cách đưa nhà máy đến gần hơn với người tiêu dùng, các công ty có thể tính toán chính xác hơn và phản ứng nhanh hơn khi lực cầu trồi sụt thất thường. Đây nên là điểm được chú trọng hơn so với mô hình truyền thống vốn tập trung chủ yếu vào chi phí.
Thứ hai, trong khi các nhà sản xuất Trung Quốc nỗ lực tự động hóa, các công ty Mỹ nên tận dụng những ưu thế sẵn có về công nghệ. Tự động hóa sẽ giúp giảm chi phí nhân công, đồng thời rút ngắn thời gian sản xuất cũng như giao hàng.
Cuối cùng, thực chất thì Mỹ vẫn đang có lợi thế về chi phí đáng kể so với châu Âu và có nhiều tiềm năng để trở thành 1 trung tâm xuất khẩu. Phục vụ thị trường toàn cầu rộng lớn và đa dạng sẽ cho phép các nhà sản xuất Mỹ chuyển hướng sang nhiều thị trường khác nhau mà không cần phải thay đổi quá nhiều.
Khó có thể dự đoán điều gì sẽ diễn ra với chuỗi cung ứng
Ngày nay chuỗi cung ứng toàn cầu quá phức tạp và mơ hồ, đến nỗi chỉ có 2% số công ty trong khảo sát được McKinsey thực hiện năm 2021 cho biết họ hiểu rõ về các nhà cung ứng từ cấp 3 trở lên. Tình trạng thiếu minh bạch tồn tại cả trong những ngành rất nhạy cảm mà chính phủ Mỹ muốn đưa về nước như cung ứng thiết bị y tế và thiết bị quốc phòng.
Do đó các nhà sản xuất không thể biết chính xác các sản phẩm của mình có thể được nội địa hóa đến mức độ nào, và họ càng khó có thể điều chỉnh.
Công nghệ blockchain được cho là sẽ giúp giải quyết rắc rối này, nhưng nó vẫn chưa phổ biến. Dù là công nghệ gì đi chăng nữa thì nỗ lực reshoring giờ đây phụ thuộc vào những giải pháp mang tính thực tiễn cao và đáng tin cậy.
Các doanh nghiệp lo ngại reshoring sẽ làm tổn hại tình hình tài chính
Nhiều thập kỷ nay, phố Wall đã thuyết phục các nhà đầu tư rằng những mô hình kinh doanh cần ít vốn là mô hình ưu việt nhất. Niềm tin này ăn sâu đủ để nhiều công ty Mỹ lưỡng lự không muốn reshoring vì như vậy sẽ phải chi rất nhiều tiền cho các tài sản cố định như nhà xưởng, máy móc và cơ sở hạ tầng.
Ví dụ, trong ngành chip, các con chip bán dẫn được phát minh ra ở Mỹ nhưng nhiều công ty chỉ tập trung vào khâu thiết kế, còn công đoạn sản xuất sẽ được thực hiện ở Đài Loan (Trung Quốc). Trên phố Wall, nhà đầu tư ưa chuộng các công ty sở hữu các tài sản chủ yếu là thương hiệu và tài sản trí tuệ - thứ mang lại lợi nhuận rất cao trong khi nguồn vốn ở mức tối thiểu. Các công ty công nghệ là ví dụ điển hình.
Do đó, để khuyến khích reshoring, các nhà quản lý, nhà đầu tư và giới hàn lâm nên “thách thức” sự ưu việt của mô hình kinh doanh ít vốn. Trong quá trình định giá công ty cũng cần phải tính đến những yếu tố như rủi ro chuỗi cung ứng, khả năng phát triển, thiết kế, thử nghiệm sản phẩm mới.
Reshoring sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp học hỏi nhanh hơn và phát triển sản phẩm nhanh hơn bởi vì người tiêu dùng, nhà sản xuất và đội ngũ R&D đều sẽ làm việc tại Mỹ.
Tham khảo Wall Street Journal