Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường

Vân Anh | 16:01 02/01/2022

Ngày 4/1/2022, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc. Kỳ họp sẽ diễn ra trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội (gồm cả Đoàn Hà Nội) tới 62 Đoàn Đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường

Dự kiến kỳ hợp sẽ diễn ra từ ngày 4/1 đến 11/1/2022. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ của lịch sử Quốc hội Việt Nam.

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét 4 nội dung quan trọng do Chính phủ trình gồm: Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Xem xét dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Việc Quốc hội họp “bất thường” cho thấy các nội dung được đưa ra bàn thảo, xem xét tại kỳ họp đều rất cần thiết và cấp bách để đáp ứng sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, việc trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp bách nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước, việc quyết định, triển khai các chính sách hỗ trợ đặc biệt, kịp thời, đột phá, có sức lan tỏa sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế, tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm tới, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ, cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế.

Cũng theo ông Bùi Văn Cường, năm 2021, tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,58%, cách xa so với chỉ tiêu đặt ra đầu năm. Do đó, nếu gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế được thông qua đầu năm 2022 sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn 2022-2023 và và dư âm hết cả nhiệm kỳ. Nếu để tới kỳ họp tháng 5 Quốc hội mới xem xét thì sẽ bị chậm.

Liên quan đến việc họp bất thường những sửa khá nhiều Luật, ông Bùi Văn Cường cho biết, đây là những nội dung, quy định quan trọng cần sửa đổi ngay để tháo gỡ, nếu không sẽ tiếp tục ách tắc do vướng trong tổ chức thực hiện và làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế áu đại dịch Covid – 19.

Ông Bùi Văn Vường nêu ví dụ, như dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông cần được xem xét sớm để thúc đẩy các tuyến giao thông huyết mạch, thúc đẩy giao thương hàng hóa, du lịch và nhiều lĩnh vực khác.

“Quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặt người dân ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách của Quốc hội…”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Ông Bùi Văn Cường chia sẻ thêm, thực tiễn tổ chức kỳ họp bất thường sẽ là kinh nghiệm tốt để Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức kỳ họp linh hoạt, chủ động hơn nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền, hướng tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO