Tờ Laotian Times (Lào) dẫn báo chính thức cho biết tỷ lệ lạm phát của Lào đã giảm xuống còn 21,3% vào năm 2024, giảm so với mức 31,2% vào năm 2023.
Bất chấp sự suy giảm này, chi phí sinh hoạt vẫn ở mức cao trong suốt cả năm, với dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng tăng đột biến, từ 208,3 vào năm 2023 lên 243,5 vào năm 2024. Điều này ảnh hưởng lớn đến chi tiêu của hộ gia đình, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và thực phẩm.
Năm 2023, chi tiêu cho các nhu cầu cơ bản như thực phẩm và đồ uống không cồn, những mặt hàng được người dân Lào mua nhiều nhất, có tác động lớn nhất đến ngân sách hộ gia đình. Một phần đáng kể thu nhập được phân bổ cho danh mục này.
Các khoản chi phí khác như ăn uống bên ngoài, lưu trú tại khách sạn, mua các mặt hàng chăm sóc sức khỏe như đồ dùng y tế và mua đồ gia dụng, quần áo, giày dép cũng cao đáng kể.
Năm 2024, giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng ít hơn, trong khi chăm sóc sức khỏe và thuốc men trở thành những yếu tố đóng góp lớn nhất vào chi phí tăng do giá vật tư y tế nhập khẩu tăng cao. Giá nhà hàng và khách sạn giảm đáng kể, nhưng chi phí chỗ ở, nước, điện và gas nấu ăn tăng so với năm trước.
Lạm phát giảm chủ yếu là do áp lực giảm từ biến động tỷ giá hối đoái ở Lào. Tuy nhiên, mặc dù lạm phát chậm lại, chi phí chăm sóc sức khỏe và tiện ích cơ bản cao vẫn tiếp tục gây căng thẳng cho ngân sách hộ gia đình.
Người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, vẫn phải đối mặt với khó khăn về tài chính, vì phần lớn thu nhập của họ dành cho các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Mặc dù lạm phát đã giảm vào năm 2024, nhưng chi phí sinh hoạt vẫn là mối quan tâm lớn, theo các nhà chức trách.
Bà Chanthevivanh Keobounphanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Lào trả lời Báo Nhân Dân, những thách thức kinh tế và tài chính trong nước, cùng với sự bất ổn của thị trường toàn cầu, đặc biệt là các chính sách kinh tế khó lường của các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ tiếp tục tác động đến bối cảnh tài chính toàn cầu nói chung cũng như nền kinh tế Lào nói riêng, đặc biệt là sự ổn định của đồng kíp Lào và chi phí sinh hoạt của người dân Lào.
Nhằm hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, Lào đã và đang tăng cường nỗ lực quản lý ngoại hối và thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ, bao gồm các quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng các đồng ngoại tệ trong nước.
Theo đó, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Lào đã tích cực xây dựng các cơ chế quản lý ngoại hối, sửa đổi bổ sung các quy định và thi hành Luật Quản lý ngoại hối (2022) cùng với Sắc lệnh số 10/TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ Lào.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Lào kỳ vọng các văn bản pháp quy mới giúp Lào tập trung tăng cường quản lý ngoại hối nhằm củng cố giá trị của đồng kíp Lào và bảo đảm sự ổn định của đồng tiền quốc gia; cho rằng đây là bước đi quan trọng nhằm hướng tới xây dựng nền kinh tế Lào độc lập, tự chủ.
Năm 2024, lạm phát của Việt Nam tăng 2,71%
Với Việt Nam, năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với 2023. Đây là mức lạm phát phù hợp với tình hình trong nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 5 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,35 điểm phần trăm.
Lạm phát tăng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Trao đổi với báo chí, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, lạm phát năm 2024 đã được kiểm soát dưới ngưỡng cho phép của Quốc hội.
Đây là mức lạm phát phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở trong nước, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là điểm sáng trong kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2024.