"Bạn ơi, mới đưa cả nhà đi chơi Bali đấy à, thấy đăng ảnh trên Facebook?"
"Ừ, tôi vừa về. Đẹp lắm, mà chẳng tốn bao nhiêu, chỉ vài chục triệu thôi."
"Được đấy, chắc đợt này làm ăn khá đây. Nếu có thì ‘bắn’ (PV: chuyển khoản) cho tôi chỗ nợ đợt trước nhé."
"Vừa đi chơi về, xong lại sắp đóng tiền học cho con nữa nên cũng hơi kẹt. Bạn thông cảm, đợt sau có tôi trả ngay. Không ‘bùng’ đâu mà sợ, yên tâm!"
Đó là một trong những đoạn đối thoại mà anh Gia Hưng (nhân viên tại một công ty công nghệ, 32 tuổi, Hà Nội) từng gặp.
"Có lẽ không hiếm người từng gặp cảnh như tôi. Mỗi lần như vậy, tôi không tránh khỏi việc đặt ra câu hỏi: Tại sao có tiền đi chơi, đi du lịch, mua sắm đắt đỏ mà không có tiền trả nợ?", anh cho biết.
Không ít người thấy "ngại" khi phải đòi tiền quá nhiều. Nhưng mỗi lần lấy hết dũng khí để đòi, đối phương lại lấy ra rất nhiều lý do, lần lữa kéo dài. Kết quả cuối cùng vẫn là 2 chữ "khất nợ", hoặc "dịp khác".
Một số người khác mạnh mẽ hơn, quyết liệt đòi nợ thì lại nhận về câu đáp trả: "Có mỗi mấy đồng mà ngày nào cũng đòi. Có ai quỵt mất đâu mà sợ, đồ ki bo!"
Ảnh minh họa: Internet
Rơi vào cảnh vay mượn xong, người ta mới thấm câu nói: "Không cho bạn vay tiền thì mất bạn, nhưng cho bạn vay tiền thì mất cả bạn lẫn tiền."
Vị trí của một người cho vay vốn đã rất khó xử, ấy thế mà người đi vay lại "hồn nhiên" khoe ảnh, đăng status liên tục ăn chơi, mua sắm, du lịch đắt đỏ, thậm chí mua đất, mua xe - những sản phẩm có giá đắt đỏ gấp nhiều lần khoản nợ.
Đúng là tình cảnh cười ra nước mắt.
Dù mức thu nhập thấp và chưa ổn định, còn sống phụ thuộc vào gia đình..., song nhiều người vẫn lựa chọn hưởng thụ bất chấp, dẫu phải vay nợ, "giật gấu vá vai". Thuật ngữ trên mạng xã hội gọi đây là lối sống "nghèo sang chảnh".
Kiếm được 10 đồng, họ tiêu tới 14-15 đồng (xài thẻ tín dụng, đi vay mượn thêm...). Lối sống hưởng thụ bằng tiền vay mượn, tiêu trước trả sau như vậy thường gắn với khẩu hiệu: "Tuổi trẻ rất ngắn, hãy cứ sống hưởng thụ."
Không ít người coi đây như lối sống mới, dần hình thành những tư duy sai lệch. Thay vì cống hiến sức trẻ để làm việc và học tập, họ lại chạy theo những chiếc điện thoại đời mới nhất, quần áo của những thương hiệu xa xỉ... khi còn chênh vênh về khả năng tài chính. Đây là thực trạng đáng báo động, xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt trong giới trẻ.
"Nếu những khoản chi đắt đỏ đó phù hợp với năng lực tài chính, hoặc giúp ích trong cuộc sống, công việc thì có thể cân nhắc. Nhưng nếu mua những sản phẩm đắt đỏ chỉ với mục đích thể hiện bản thân, hay mua theo số đông bạn bè, đây đơn thuần là hành động hoang phí", chị Thanh Huyền (29 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết.
Vì giá trị của một con người không nằm ở những bức ảnh trên mạng xã hội, mà là tính cách, tri thức và cách đối nhân xử thế ngoài đời thực.
"Dù bức tường Facebook của bạn có đẹp đến mấy, khoác lên mình ‘tấm áo lung linh’ ra sao, nhưng lại cư xử tệ, có vay không trả, hành xử bốc đồng… thì giá trị cá nhân của bạn vẫn ‘zero’ (PV: bằng không)", chị cho biết.
Đại đa số thời điểm, chúng ta đều tìm kiếm và hưởng thụ sự tôn trọng, ngưỡng mộ của những người xung quanh. Vì thế, chúng ta nỗ lực phô bày địa vị, khoe khoang tài học, phô trương thành tựu, thể hiện sức mạnh của bản thân.
Người ta mua sắm tích lũy của cải vô tội vạ, từ giày dép, túi xách, quần áo, điện thoại di động, đến các loại xe gắn máy, xe hơi, nhà cửa biệt thự ... và luôn cố gắng theo kịp những kiểu dáng, những "đời" mới nhất để được xem là sành điệu, để được kính nể, để "hơn" những người khác quanh mình.
Thế nhưng, đợi đến khi thời gian qua đi, con người thực sự trưởng thành từ trong tâm tưởng, chúng ta lại nhận ra điều hoàn toàn ngược lại: Càng khuyết thiếu thứ gì, người ta lại càng cố thể hiện thứ đó.
Chỉ có người thực sự trưởng thành từ trong tâm trí mới nhận thức đủ về giá trị của mình. Họ biết rằng, thay vì chờ mong sự khẳng định từ người khác, sức mạnh thực sự thuộc về giá trị bên trong mỗi con người.
Ảnh minh họa: Internet
Bản thân ta là ai, có vị trí gì, năng lực ở đâu, giá trị lớn nhỏ chừng nào... đều là những câu hỏi mà chúng ta tinh tường nhất. Câu trả lời luôn nằm sâu bên trong nội tâm chứ không phải nằm ở ánh mắt người đời.
Khi tỷ phú Steve Jobs chỉ mặc duy nhất một bộ đồ đen với chiếc áo len cổ lọ đặc trưng, ông có sợ bị mọi người chê bai nhàm chán? Đáp án là không hề. Vì ông biết rõ rằng, quần áo nhàm chán không đại biểu cho sản phẩm mà ông làm ra nhàm chán, càng không đại biểu cho một trí tuệ, một con người nhàm chán.
Ngược lại, cuộc sống giản dị giúp cho Steve Jobs thoát khỏi rất nhiều rắc rối mệt mỏi. Ít nhất, ông không cần tốn thời gian vô giá của bản thân để lựa chọn quần áo phải mặc mỗi ngày.
Chỉ có người thực sự thành công trong quá trình trải đời mới hiểu ra giá trị thực sự của bản thân nằm ở đâu. Do đó, họ không cần cố gắng tìm kiếm hay khẳng định chúng thông qua bề ngoài sang trọng, phụ kiện đắt giá hay lối sống xa hoa.