Lãi ròng 503 tỷ đồng trong năm 2023, cổ đông Taseco Land có “bớt vui” khi doanh nghiệp đang thế chấp loạt tài sản, có cả dự án trong diện bị thanh tra?

An Diệp | 20:56 03/02/2024

Vừa chào sàn chứng khoán, cổ đông của Taseco Land (Upcom: TAL) đã nhận tin vui khi TAL báo lãi ròng hợp nhất 503 tỷ đồng trong năm 2023 dù nợ phải trả tăng cao và doanh nghiệp đang phải thế chấp nhiều tài sản.

Lãi ròng 503 tỷ đồng trong năm 2023, cổ đông Taseco Land có “bớt vui” khi doanh nghiệp đang thế chấp loạt tài sản, có cả dự án trong diện bị thanh tra?
Taseco Land đang thế chấp 906 Hợp đồng mua bán căn hộ thuộc Dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ và căn hộ chung cư Alacarte Hạ Long với khách hàng cho Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Thanh Xuân.

Kết quả kinh doanh tích cực

Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land, UPCoM: TAL) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thức vào ngày 31/12/2023. Theo đó, Taseco Land ghi nhận doanh thu 3.238 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 661 tỷ đồng, lãi ròng đạt hơn 503 tỷ đồng.

Quý IV/2023, doanh thu thuần hợp nhất của TAL đạt 2.550 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 728 tỷ đồng, tăng 17%.

Trong quý, doanh thu tài chính 28 tỷ đồng, tăng 40%. Lợi nhuận khác đạt 56 tỷ đồng, tăng 28 lần, chủ yếu là lãi từ giao dịch mua rẻ.

Nhờ đó, dù chi phí tài chính tăng 16 lần (đạt 60 tỷ đồng) và chi phí quản lý tăng 22% (đạt 66 tỷ đồng), TAL vẫn có lợi nhuận trước thuế 617 tỷ đồng, tăng 52%; lợi nhuận sau thuế 476 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của TAL đạt 3.238 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Cơ cấu doanh thu ghi nhận: mảng bất động sản tăng 10%, đạt 2.699 tỷ đồng; mảng xây lắp tăng 19%, đạt 309 tỷ đồng; mảng cho thuê tăng 3,5 lần, đạt 116 tỷ đồng; mảng cung cấp dịch vụ 113 tỷ đồng, tăng 36%.

Nhờ doanh thu tăng, lợi nhuận gộp đạt 881 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 27,2%. TAL vẫn kết thúc năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 661 tỷ đồng, tăng 40%, lợi nhuận sau thuế 503 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước.

Năm 2023, TAL đặt mục tiêu doanh thu 3.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 641 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 95% mục tiêu doanh thu và vượt 3% mục tiêu lợi nhuận.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của TAL đạt 10.176 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản ghi nhận sự gia tăng của hàng tồn kho, đạt 3.813 tỷ đồng, tăng 56%, chiếm 37% tổng tài sản, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, tập trung tại các dự án: NO1-T6 (116 tỷ đồng), B3-CC2-A Starlake (710 tỷ đồng), dự án số 4 khu đô thị mới trung tâm TP. Thanh Hóa (1.754 tỷ đồng), dự án Hải Yến (612 tỷ đồng), dự án Nam Thái Nguyên (382 tỷ đồng)…

Các khoản phải thu của TAL cũng tăng 30% lên 2.392 tỷ đồng, chiếm 23,5% tổng tài sản. Dự phòng phải thu ngắn hạn tăng gấp đôi lên 19 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm nhẹ ở mức 8% còn 1.856 tỷ đồng, chiếm 18%, tập trung tại các dự án: B2CC4 khu Tây Hồ Tây (623 tỷ đồng), B3-CC2-B Starlake (537 tỷ đồng), khu du lịch và dịch vụ Quảng Bình (264 tỷ đồng), Lakeview Tower (110 tỷ đồng), Pulchra Resort Đà Nẵng (202 tỷ đồng)… Ngoài ra, TAL còn ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 316 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu.

Áp lực nợ vay tăng cao

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2023 đạt 6.039 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm. Diễn biến đáng chú ý là nợ vay đạt 3.262 tỷ đồng, tăng 2,8 lần. Thuế và các khoản phải nộp nhà nước đạt 481 tỷ đồng, tăng 2,8 lần. Trong khi đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn lại giảm rất sâu, giảm 88%, chỉ còn 26 tỷ đồng.

Nợ vay tăng cao khiến chi phí tài chính của TAL trong năm 2023 tăng cao, chạm mốc 101 tỷ đồng, tăng 5,3 lần; chi phí quản lý 187 tỷ đồng, tăng 33%.

Vốn chủ sở hữu của TAL tại thời điểm kết thúc năm 2023 đạt 4.137 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,78 lần.

Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh năm 2023 của TAL âm tới 1.557 tỷ đồng, do tăng hàng tồn kho, tăng các khoản phải thu, giảm các khoản phải trả, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dòng tiền đầu tư cũng âm tới 643 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi mua sắm tài sản, chi cho vay. Do đó, TAL phải bù đắp bằng việc đẩy quy mô dòng tiền đi vay tăng gấp 2,3 lần năm trước, đạt 3.818 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần cả năm âm, khiến lượng tiền và tương đương tiền cuối năm chỉ còn 288 tỷ đồng, giảm 38% so với đầu năm.

Thế chấp loạt tài sản, có cả dự án trong diện bị thanh tra

Với việc nợ vay tăng cao, đòn bẩy tài chính của TAL đang được kéo căng khi doanh nghiệp đang thế chấp loạt tài sản, quyền tài sản liên quan đến việc triển khai các dự án, trong đó đáng chú ý cho cả dự án nằm trong diện bị thanh tra.

Cuối tháng 11/2023, TAL đã thế chấp tài sản, quyền tài sản liên quan đến dự án Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ, hỗn hợp Nam Thái (Thái Nguyên) cho VietinBank CN Thanh Xuân.

Cụ thể, TAL thế chấp toàn bộ “Quyền đòi nợ, các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản đền bù, bồi thường, các khoản phí mà bên thế chấp thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, các khoản lợi, nguồn thu từ việc kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất (lợi tức) thuộc Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ, hỗn hợp Nam Thái tại phường Nam Tiến, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên”.

Bên cạnh dự án tại Thái Nguyên, cuối tháng 11/2023, TAL cũng đã thế chấp tài sản, quyền tài sản liên quan đến dự án tại Thanh Hóa của mình cho VietinBank CN Thanh Xuân.

Cụ thể, thế chấp toàn bộ “Quyền đòi nợ, các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản đền bù, bồi thường, các khoản phí mà bên thế chấp thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, các khoản lợi, nguồn thu từ việc kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất (lợi tức) thuộc dự án “Khu nhà ở thuộc Khu tái định cư xã Hải Yến tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, vào tháng 6/2023, TAL đã thế chấp toàn bộ “Quyền đòi nợ, các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản đền bù, bồi thường, các khoản phí mà bên thế chấp thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, các khoản lợi, nguồn thu từ việc kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất (lợi tức) thuộc dự án “Khu đô thị mới thuộc dự án số 4 Khu đô thị mới Trung tâm thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa” do Liên danh Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Taseco –Công ty cổ phần tập đoàn Taseco -Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Phú Mỹ là Chủ đầu tư tại Phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa” cho Ngân hàng MB Chi nhánh Thăng Long.

Đáng chú ý, vừa qua, tại Quyết định số 4902/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành ngày 21/12/2023, dự án trên của TAL là 1 trong 3 dự án sẽ được Thanh tra tỉnh Thanh Hóa thực hiện thanh tra về dự án đầu tư có sử dụng đất được cấp có thẩm quyền chuyển tiếp từ kế hoạch thanh tra năm 2023.

Theo Quyết định trên, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND TP Thanh Hoá thực hiện cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thanh tra dự án Khu đô thị mới thuộc dự án số 4, khu đô thị mới trung tâm thành phố Thanh Hoá (tên thương mại là Central Riverside Thanh Hóa).

Không chỉ thế chấp tài sản, quyền tài sản liên quan đến các dự án đang triển khai, TAL thời gian qua cũng liên tục thế chấp tài sản, quyền tài sản liên quan đến hợp đồng mua bán bất động sản với khách hàng cho các ngân hàng.

Cụ thể, tháng 11/2023, TAL cũng thế chấp toàn bộ “Quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm phát sinh từ Hợp đồng” của 203 hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai cho Ngân hàng BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 1.

Vào tháng 5/2023, TAL cũng đã thế chấp toàn bộ “quyền tài sản phát sinh từ các Hợp đồng mua bán căn hộ thuộc Dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ và căn hộ chung cư Alacarte Hạ Long” của 906 Hợp đồng mua bán bất động sản với khách hàng cho Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Thanh Xuân.

Trước đó, vào tháng 1/2022, TAL đã thế chấp toàn bộ “các quyền tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của TAL phát sinh từ 84 Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Dự án Khu Nhà ở Riverview Lương Sơn tại Thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình”

Bên cạnh việc thế chấp tài, sản quyền tài sản liên quan đến dự án và hợp đồng mua bán bất động sản, TAL cũng đang thế chấp cổ phần của mình tại các doanh nghiệp khác cho ngân hàng.

Cụ thể, vào tháng 12/2022, TAL cũng thế chấp 9.000.000 cổ phiếu do Công ty CP Đầu tư xây dựng số 4 phát hành (mã chứng khoán: CC4) thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản TASECO và toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ cổ phần trên cho VietinBank Chi nhánh Hà Nội.

Cũng vào tháng 12/2022, TAL đã thế chấp 11.880.000 cổ phần (tính theo mệnh giá là 118,8 tỷ đồng) của TAL tại Công ty CP Alacarte Hạ Long và toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ cổ phần nói trên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lãi ròng 503 tỷ đồng trong năm 2023, cổ đông Taseco Land có “bớt vui” khi doanh nghiệp đang thế chấp loạt tài sản, có cả dự án trong diện bị thanh tra?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO