Kỹ năng phỏng vấn: Nói gì để thu hút nhà tuyển dụng?

Nguyễn Lý | 03:01 04/02/2023

Trước khi tham gia phỏng vấn bạn thường được tư vấn, được khuyên đặt bản thân vào vị trí nhà tuyển dụng để biết, họ mong gì từ ứng viên. Từ đó, bạn sẽ biết nên và không nên nói gì để trở thành người được lựa chọn...

Kỹ năng phỏng vấn: Nói gì để thu hút nhà tuyển dụng?
Ảnh minh họa.

Về lý thuyết thì là như vậy, nhưng không phải tất cả ứng viên, đặc biệt sinh viên mới ra trường đều nắm được kỹ năng phỏng vấn và nội dung nhà tuyển dụng thật sự muốn nghe là gì.

Vậy cụ thể, ứng viên nên làm gì để nhà tuyển dụng thích thú khi tìm việc làm Sài Gòn, Long An hay Đồng Nai…?

Không trả lời Có - Không

Muốn biết nhà tuyển dụng thích nghe gì thì bạn cần biết, họ không thích nghe gì. Dẫu câu hỏi dưới dạng “Yes - No” nhưng chắc chắn nhà tuyển dụng không muốn nghe vỏn vẹn hai từ “Có - Không”.

Ví dụ: “Em có thể làm việc trong môi trường nhiều áp lực không?”.

Câu trả lời không nên là “Không”. Nhưng nếu bạn chỉ nói ngắn gọn chữ “Có” thì không thể thuyết phục được nhà tuyển dụng. Thay vào đó bạn có thể trả lời: “Em ưa thích sự bận rộn. Em đã từng đảm nhận một dự án suốt thời gian 3 tháng dài không có cuối tuần. Thậm chí em từng duy trì công việc phải làm việc với đồng nghiệp khác múi giờ…”

Bằng cách kể câu chuyện như vậy, dù không đưa ra đáp án chính xác nhưng nhà tuyển dụng đã có câu trả lời. Thậm chí câu trả lời đó hoàn toàn thuyết phục họ. Bởi họ khó có thể không tin một câu chuyện có đủ không gian, thời gian, sự kiện.

Do đó hãy rèn luyện kỹ năng kể chuyện để trong thời gian ngắn, bạn có thể chứng tỏ năng lực, kỹ năng hay phẩm chất phù hợp với công việc ứng tuyển. Đó chắc chắn là nội dụng nhà tuyển dụng thực sự muốn nghe.

Đặt câu hỏi ngược

Cái thời nhà tuyển dụng ở “kèo trên” không còn nữa. Ngày nay, nhà tuyển dụng và ứng viên có vị thế ngang nhau. Bạn đến buổi phỏng vấn để tìm cơ hội phát triển bản thân phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp, còn nhà tuyển dụng đi tìm giải pháp cho doanh nghiệp. Do đó, điều nhà tuyển dụng mong chờ là những câu hỏi buộc họ phải thuyết phục ngược lại ứng viên.

Một câu hỏi khiến nhà tuyển dụng thích thú như: “Em luôn hứng thú làm việc trong môi trường năng động, được học hỏi và mọi người cùng nhau phát triển vì một mục tiêu chung. Không biết, doanh nghiệp có phải là một môi trường như vậy?”.

Do đó, bạn nên viết xuống những gì mong muốn ở công việc, những nội dung cần làm rõ ở doanh nghiệp. Sau đó cân nhắc và đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng.

Kỹ năng phỏng vấn này còn chứng tỏ, bạn thực thực sự quan tâm tới công việc. Bạn ứng tuyển không đơn giản cần một việc làm, mà vì nó phù hợp mục tiêu và nằm trong kế hoạch phát triển sự nghiệp. Đây cũng là phẩm chất nhà tuyển dụng đánh giá cao ở ứng viên.

Nhấn mạnh điểm phù hợp

Khi hiểu rõ mình là ai, có lợi thế cạnh tranh gì, bạn sẽ có nhiều cơ hội được chọn. Nhưng nó chỉ dừng ở “cơ hội” nếu bạn không biết “giới thiệu”, “trình bày” năng lực, phẩm chất, kỹ năng phù hợp với vị trí ứng tuyển trước nhà tuyển dụng.

Do đó, trong suốt buổi phỏng vấn cũng như trước khi đứng lên chào tạm biệt nhà tuyển dụng, bạn cần “chốt” những điểm chính với họ. Dựa vào thông tin đã tìm hiểu, vào yêu cầu và mong muốn ở nhà tuyển dụng, bạn nên khẳng định những giá trị đang tìm kiếm trong công việc là tương đồng với giá trị công ty. Điều quan trọng hơn, bạn là ứng viên phù hợp với văn hóa công ty đồng thời những kiến thức, kỹ năng của bạn sẽ tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp.

Bằng cách khắc sâu những điểm phù hợp với tiêu chí nhà tuyển dụng tìm kiếm, bạn khó bị “bỏ qua” trong danh sách trúng tuyển.

Không thể hiện sự tự mãn

Bạn cần thể hiện cá tính, năng lực và giá trị của bản thân. Nhưng điều đó không có nghĩa, khi bước vào cuộc phỏng vấn, bạn dõng dạc tuyên bố: “Tôi chính xác là người doanh nghiệp đang tìm kiếm” mà không có bất kỳ dẫn chứng nào.

Đó không phải câu nói nhà tuyển dụng muốn nghe. Họ sẽ nghĩ bạn lấy căn cứ gì để khẳng định như vậy khi chưa biết về doanh nghiệp, chưa nghe họ trao đổi. Thậm chí họ còn đánh giá, bạn là người tự cao, tự mãn, không có kinh nghiệm và thiếu kỹ năng.

Thay vì nói câu trên, bạn có thể nói “Tôi rất hứng thú vì đây là cơ hội tôi đang tìm kiếm”. Sau đó, bạn kiên nhẫn dành thời gian lắng nghe nhà tuyển dụng chia sẻ, tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ tìm nhân sự cho vị trí này. Sau đó, bạn hãy giới thiệu những năng lực đang có giúp giải quyết vấn đề doanh nghiệp đang mắc phải.

Bằng cách nói những điều nhà tuyển dụng thích nghe, có thể không phải là ứng viên xuất sắc nhất nhưng chắc chắn bạn sẽ là người tự tin nhất và được chú ý nhất. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao ứng viên có kỹ năng phỏng vấn như vậy và biết đâu, cơ hội công việc tốt cho bạn sẽ bắt đầu từ đây.


(0) Bình luận
Kỹ năng phỏng vấn: Nói gì để thu hút nhà tuyển dụng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO