HNX cho biết, mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VNZ là 240.000 đồng/cp. Nếu tính theo mức giá này, VNG có vốn hóa 8.592 tỷ đồng.
VNG được chính thức được thành lập vào năm 2004, trước đây được biết đến với tên gọi Vinagame, nay là Công ty Cổ phần VNG, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Hiện đang hoạt động trong 4 mảng chính: Trò chơi trực tuyến, Nền tảng kết nối, Thanh toán điện tử, Dịch vụ điện toán đám mây.
Những sản phẩm đình đám có thể kể đến của VNG như ứng dụng nhắn tin và gọi điện ra đời đầu năm 2012 là Zalo, sản phẩm thanh toán điện tử Zalopay ra mắt năm 2016.
VNG được định giá 1 tỷ USD vào năm 2014, trở thành "kỳ lân" (công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD) đầu tiên tại Việt Nam – theo World Startup Report.
Theo bản công bố thông tin, tại ngày 28/11/2022, VNG có 3 cổ đông lớn là VNG Limited (trụ sở tại Cayman Islands) nắm 49% vốn điều lệ, tương đương 61,1% số cổ phiếu đang lưu hành; CTCP Công nghệ BigV nắm 4,6% vốn điều lệ, chiếm 5,7% số cổ phiếu đang lưu hành và ông Lê Hồng Minh nắm 9,8% vốn điều lệ, tương đương 12,3% số cổ phiếu đang lưu hành.
Vào ngày 30/09, theo BCTC tự lập, VNG có 31 công ty con và 7 công ty liên kết. Rót vốn vào công ty liên kết mới là một điểm đáng chú ý trong hoạt động 9 tháng đầu năm của VNG. Cần phải nhấn mạnh rằng, số dư các khoản đầu tư vào công ty liên kết của VNG đã tăng mạnh từ 277 tỷ đồng hồi đầu năm 2022 lên mức 1.273 tỷ đồng vào cuối tháng 9.
Trong số 3 khoản đầu tư mới vào công ty liên kết trong kỳ, đáng chú ý là hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư vào Telio và Funding.
Theo diễn giải trong BCTC, Funding Asia có trụ sở chính tại Singapore, hoạt động chính là công ty đầu tư. Vào ngày 30/09/2022, mặc dù VNG chỉ nắm giữ 5,11% quyền sở hữu của Funding nhưng có quyền chỉ định 1 trên 10 người của Ban giám đốc và có ảnh hưởng đáng kể trong Funding Asia.
Tương tự, Telio cũng là một pháp nhân ở nước ngoài do VNG nắm giữ 16,7% quyền sở hữu nhưng Tập đoàn có quyền chỉ định 1 trong 6 người của Ban giám đốc và có ảnh hưởng đáng kể trong Telio. Được biết, Telio hoạt động chính trong mảng phát triển ứng dụng thương mại điện tử.
Giá trị khoản đầu tư của VNG vào Telio và Funding trong 9 tháng đầu năm nay lần lượt là 515 và 512 tỷ đồng. Việc mạnh tay bỏ ra hơn 1.000 tỷ để đầu tư mới vào 2 công ty này là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền đầu tư trong kỳ của VNG âm.
Kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng đầu năm cho thấy VNG lỗ trước thuế 497 tỷ đồng, ngoài nguyên nhân do lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính (2.543 tỷ đồng) không bù đắp được chi phí bán hàng và quản lý, thì còn do khoản lỗ 83 tỷ đồng từ công ty liên kết.
Trong các công ty liên kết, mang lại khoản lỗ lớn nhất trong kỳ là Telio (46 tỷ đồng), sau đó là Funding (26 tỷ đồng). Kết quả này là chuyện khá bình thường với các công ty công nghệ khi những hoạt động đầu tư mới luôn "đốt tiền" và cần thời gian để tạo ra hiệu quả.
Có thể nhìn thấy minh chứng từ Tiki Global, một công ty liên kết đang khiến VNG gánh khoản lỗ luỹ kế lớn nhất lên tới 510 tỷ đồng (chiếm tới 84,5% tổng lỗ luỹ kế từ các công ty liên kết), trong kỳ này Tki Global đã không còn gây lỗ.
Được biết, Tiki Global là một công ty trách nhiệm hữu hạn đăng ký tại Singapore, hoạt động chính là đầu tư.
Vào ngày 30/9/2022, VNG nắm giữ 14,64% quyền sở hữu của Tiki Global, đồng thời có quyền chỉ định 2 trên 10 người của Ban Giám Đốc và tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể trong Tiki Global.