Trong báo cáo chiến lược mới cập nhật, Chứng khoán KIS đánh giá chỉ số VN-Index đã thành công vượt ngưỡng 1.100 điểm với thanh khoản cao trong quý 2. Hơn nữa, nền kinh tế cho thấy dấu hiệu tăng trưởng tích cực với 4,14%, vượt kì vọng thị trường.
Theo KIS, động lực tăng trưởng kinh tế sẽ cần nhiều thời gian hơn để hiện thực hóa do sự cải thiện không đáng kể của yếu tố bên ngoài và sự phục hồi yếu dần của tiêu dùng trong nước. Đầu tư công sẽ tiếp tục là tâm điểm trong quý 3 nhờ vào nỗ lực của chính phủ trong việc thực hiện khối lượng công việc cao hơn đáng kể so với năm trước. Bên cạnh đó, việc kiểm soát lạm phát tốt và tỷ giá ổn định cung cấp thêm không gian cho cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ theo đuổi xu hướng nới lỏng trong quý tiếp theo.
Tuy vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có thể tạo ra áp lực đáng kể trong thời gian tới. Khối lượng phát hành mới còn thấp với 27.000 tỷ đồng. Tình hình còn trở nên khó khăn hơn khi một số lượng đáng kể trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị đáo hạn từ tháng 6 đến tháng 8, dự kiến khoảng gần 120.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Với mức thanh khoản hạn chế kể từ tháng 3 đến nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn ngày càng lớn trong việc đảm bảo đủ nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu của mình.
Đội ngũ phân tích vẫn lạc quan cho rằng các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ với chính tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. KIS tự tin vào kịch bản của một xu hướng tăng mạnh sẽ xuất hiện trong nữa sau năm 2023. Vùng mục tiêu của VN-Index trong nửa cuối năm nay là 1.260-1.340 điểm. Như vậy so với ngưỡng điểm 1.170 hiện tại, chỉ số chính thậm chí có thể tăng thêm tối đa 160 điểm trong những tháng còn lại của năm 2023.
Hai chủ đề đầu tư nửa cuối năm
Theo KIS, các cơ hội đầu tư đang dần xuất hiện từ quý 2/2023 ở toàn thị trường, được hỗ trợ bởi các nhân tố vĩ mô và sự hồi phục của thị trường chứng khoán.
Thứ nhất, báo cáo chỉ ra cơ hội đến từ các cổ phiếu ngành Điện, Nông nghiệp, Thủy sản được hỗ trợ bởi chủ đề El-Nino và tiêu dùng Trung Quốc. Cụ thể, các doanh nghiệp nhiệt điện đang hưởng lợi từ El-Nino trong nửa đầu năm, sản lượng điện huy động các nhà máy nhiệt điện chiếm đến 62% trong cơ cấu nguồn điện 6 tháng, tăng 12% so với con số trung bình năm 2022. Trong bối cảnh nhu cầu phụ tải tăng cao giá CMG các tháng đầu năm 2023 ghi nhận ở mức cao hơn. Điều này cũng mang lại sự hưởng lợi kép cho các doanh nghiệp nhiệt điện.
Nhóm nông nghiệp thì được kỳ vọng tăng trưởng nhờ Trung Quốc mở cửa trở lại đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Giá trị xuất khẩu rau quả và gạo tăng tốt trong quý 2. KIS dự đoán Việt Nam sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu gạo 7 triệu tấn trong năm 2023.
Tương tự, doanh số xuất khẩu rau quả dự kiến sẽ ở mức cao trong quý 3 dựa trên số lượng đơn đặt hàng cao, mùa cao điểm của trái cây nhiệt đới xoài, cam, mít, bơ, v.v và sầu riêng ở Tây Nguyên. Trong khi đó, nhóm thủy sản sẽ có thể cải thiện nhẹ về kết quả kinh doanh từ quý 3 khi nhu cầu thủy sản tại thị trường Mỹ dần cải thiện chủ yếu do lượng hàng tồn kho tiêu thụ đang giảm dần.
Thứ hai, ngành đá cũng mang đến sự lựa chọn sinh lời từ quý 3 cho những nhà đầu tư đang tìm kiếm chủ đề đầu tư công.
Mặt khác, Chứng khoán KIS nhận định ngành ngân hàng, bất động sản nhà ở cùng với các doanh nghiệp nhóm vật liệu xây dựng khác (thép, xi măng) chưa thật sự phù hợp với các nhà đầu tư cơ bản do các tín hiệu chuyển đổi thực sự vẫn được rõ ràng.