Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD

Lê Khang | 14:43 27/12/2021

Ngày 27/12, Tổng cục Hải quan thông tin cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020.

Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD
Có 93 nghìn doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa năm 2021.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2021, xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cục Hải quan Bắc Ninh đạt trị giá cao nhất cả nước, với 153,14 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa làm thủ tục qua các Cục Hải quan thuộc 19 tỉnh thành phố phía Nam tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 41% tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đạt 117,76 tỷ USD, tăng 7%; Bình Dương đạt 47,61 tỷ USD, tăng 17%; Đồng Nai đạt 35,31 tỷ USD, tăng 25%; Bà rịa –Vũng Tàu đạt 21,29 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cục Hải quan Hải Phòng đạt 90,77 tỷ USD, tăng 30,8% và Cục Hải quan Hà Nội đạt 50,67 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố đạt trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tăng cao như Cục Hải quan Nghệ An đạt 2,97 tỷ USD, tăng 103%; Gia Lai đạt 1,33 tỷ USD, tăng 330,3% và Quảng Trị đạt 1,03 tỷ USD, tăng 123% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo về số liệu tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu, số doanh nghiệp làm thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2021 số lượng tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu đạt 13,74 triệu tờ khai, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, số tờ khai xuất khẩu đạt 7,11 triệu tờ khai, tăng 7,8% và nhập khẩu đạt 6,63 triệu tờ khai, tăng 5,1%.

Số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa là 93 nghìn doanh nghiệp, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong năm 2021, toàn ngành Hải quan đã áp dụng hơn 1,2 triệu chỉ số tiêu chí phân luồng thông suốt 13.240.933 tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu trong đó, luồng xanh là 8.857.454 tờ khai (66,89%); luồng vàng là 3.857.766 tờ khai (29,14%)và luồng đỏ là 525.713 tờ khai (3,97%).

Qua đó việc thiết lập tiêu chí phân luồng toàn ngành Hải quan đã thiết lập 18.018 hồ sơ vi phạm, 50.301 lượt tổ chức cá nhân vi phạm bị xử phạt, so với năm 2020, tăng 1.293 hồ sơ vi phạm nhưng số lượt tổ chức cá nhân vi phạm bị xử phạt tăng 5.063 lượt.

Tỷ lệ phát hiện vi phạm qua phân luồng đỏ là 0,31%, tỷ lệ phát hiện vi phạm qua phân luồng vàng là 0,13% và tỷ lệ phát hiện vi phạm qua chuyển luồng là 2,22 %.

Báo cáo về công tác giám sát, quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, ngay từ đầu năm, nhận định tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế có nhiều diễn biến phức tạp, Tổng cục đã có chỉ đạo nâng cao hiệu lực kiểm tra, kiểm soát hải quan.

Qua kiểm soát cho đã ngăn chặn được tình trạng trốn giấy phép quá cảnh đối với hàng hóa quá cảnh có giấy phép. Phát hiện một số lô hàng có dấu hiệu vi phạm và thực hiện kiểm tra thực tế 100% tại cửa khẩu nhập. Số lượt container đưa vào soi chiếu và lượng container vi phạm được phát hiện qua soi chiếu đều tăng.

Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với các tờ khai nhập khẩu ô tô, xe máy; rượu nhập khẩu chuyển tiêu thụ nội địa; hàng xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, hàng khai báo một lần, xuất khẩu, nhập khẩu nhiều lần.

Tăng cường quản lý đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu và hướng dẫn các Cục Hải địa phương thực hiện thống nhất chính sách và thủ tục nhập khẩu cá tầm.

Tăng cường quản lý đối với hàng chuyển phát nhanh nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để chia, tách hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế, kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, xử lý vướng mắc đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là nguyên liệu có nguồn gốc thực vật dùng để sản xuất thực phẩm chức năng. Tăng cường quản lý xuất khẩu đá vôi và khoáng sản xuất khẩu.

Liên quan đến công tác quản lý về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, ngành hải quan đã rà soát các mặt hàng nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, vi phạm sở hữu trí tuệ để áp dụng các biện pháp đấu tranh, điều tra, làm rõ hành vi vi phạm cụ thể như: mặt hàng mía đường, điều thô nhập khẩu và nhãn hiệu thuốc lá Astro, Luffman…

Để ngăn chặn từ xa tình trạng hàng hóa tồn đọng và hàng hóa là phế liệu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã triển khai áp dụng các giải pháp không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu… Từ đó không còn hiện tượng vận chuyển chất thải, phế liệu không đáp ứng các quy định sau đó từ bỏ, gây tồn đọng tại cảng biển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO