Những du khách đã từng đặt chân đến Sơn Tây, Trung Quốc đều biết rằng điều thu hút nhất ở vùng đất này không phải là cảnh sắc núi non hùng vĩ, mà là những công trình kiến trúc cổ kính. Cũng chính vì thế mà nơi đây còn được ví giống như một bảo tàng xây dựng thu nhỏ với những di tích lịch sử được bảo tồn qua hàng trăm năm, thể hiện tay nghề điêu luyện của người xưa.
Ngược dòng chảy lịch sử, vào thời nhà Minh và nhà Thanh cổ xưa của Trung Quốc, thương nhân nơi đây làm ăn thịnh vượng. Người giàu ở khắp nơi. Mặc dù những gia tộc giàu có này không thoát khỏi số phận suy tàn theo thời gian, thế nhưng họ cũng để lại những di sản kiến trúc giá trị. Một trong số đó nổi bật nhất là dinh thự nhà họ Vương, được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp 4A quốc gia.
Theo Sohu, đây cũng là khuôn viên tư gia lớn nhất ở Trung Quốc với lối kiến trúc đặc sắc chẳng thua kém gì Tử Cấm Thành nổi tiếng.
Biệt phủ nhà họ Vương ở Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: Thepaper
Công trình đồ sộ với kiến trúc đặc sắc
Theo Sohu, biệt phủ nhà họ Vương nằm cách huyện Linh Thạch, tỉnh Sơn Tây 12km về phía đông. Khuôn viên tư gia này bao gồm 5 làn đường, 6 lâu đài và một con phố. Tất cả trải rộng với tổng diện tích xây dựng là 250.000m2, lớn hơn cả diện tích xây dựng của Tử Cấm Thành là 150.000m2 (khác với tổng diện tích đất là 720.000m2).
Biệt phủ nhà họ Vương ở Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: Thepaper
Tại Vương phủ, diện tích đất được tận dụng một cách triệt để. Thiết kế dinh thự hình tứ giác ôm trọn tổng cộng 231 sân và 2.078 ngôi nhà ở bên trong. Các tòa nhà có kiến trúc rất độc đáo, là sự kết hợp của nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá, gạch và các kỹ thuật kỳ công khác, in đậm những dấu ấn lịch sử cổ xưa.
Biệt phủ nhà họ Vương ở Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: Thepaper
Ngoài ra, các công trình chính và phụ ở đây có đặc điểm là được bố trí san sát nhau nhưng vẫn tạo cảm giác thoáng đãng cho tổng thể công trình, đảm bảo sự thuận tiện trong sinh hoạt. Vì được nhiều thế hệ xây dựng trong suốt 300 năm nên phong cách bài trí mỗi khu vực và căn nhà bên trong Vương phủ cũng khác nhau, liên quan nhiều đến thời đại, tuổi tác, giới tính, sở thích và địa vị của từng người. Nếu đủ tinh ý, du khách chỉ cần quan sát vị trí và cách bài trí phòng cũng có thể đoán được danh phận của chủ nhân của trong gia tộc.
Biệt phủ nhà họ Vương ở Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: Thepaper
Có thể nói, Vương phủ dù kế thừa trọn vẹn nét kiến trúc cổ xưa nhưng những thiết kế đó vẫn có tính ứng dụng cao đến tận ngày nay. Nhiều du khách đến tham quan không khỏi trầm trồ trước sự tinh tế trong thiết kế và xây dựng.
Nơi ở của gia tộc phồn vinh nhất thời nhà Thanh
Đúng như tên gọi của nó, dinh thự nổi tiếng này thuộc quyền sở hữu của gia tộc họ Vương. Theo Sohu, đây từng là gia tộc phồn thịnh nhất thời đại nhà Thanh, Trung Quốc.
Biệt phủ nhà họ Vương ở Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: Thepaper
Trước khi trở nên giàu có tột bậc, tổ tiên của gia tộc này ban đầu kiếm sống bằng nghề bán đậu phụ. Khi công việc buôn bán ngày càng thuận lợi, họ dần tích lũy được tài sản. Họ trở thành những thương gia nổi tiếng trong vùng và mở rộng quy mô kinh doanh. Thời kỳ thịnh vượng nhất của gia tộc họ Vương là vào những năm vua Càn Long, vua Khang Hy và vua Gia Khánh của nhà Thanh trị vì. Nhờ đó, gia tộc này có thể xây dựng nên một cơ ngơi đồ sộ, mất đến 300 năm để hoàn thiện như hiện tại.
Biệt phủ nhà họ Vương ở Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: Thepaper
Tuy nhiên sự hưng thịnh này chẳng thể kéo dài mãi, khi triều Thanh suy yếu, việc kinh doanh của nhà họ Vương gặp nhiều trắc trở, từ đó cũng lụi bại dần. Theo thời gian, nơi đây trở thành “chứng nhân lịch sử” của một gia tộc phồn thịnh một thời. Không những thế, Vương phủ còn là địa điểm quay phim cho các bộ phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng của đất nước tỷ dân.
Xuôi theo dòng chảy của thời gian, biệt phủ nhà họ Vương nay đã xuống cấp, cũ kỹ tuy nhiên sự tráng lệ của khuôn viên này dường như vẫn còn nguyên vẹn. Một số tòa nhà đã được mở cửa cho khách du lịch tham quan, là điểm đến yêu thích của những người thích không gian xưa cũ.
(Theo Zhihu)