Không siết, không nới lỏng mà duy trì tín dụng bất động sản ở mức hợp lý

Dương Trang | 10:19 02/02/2023

Thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ cũng như ngành ngân hàng đều cho tín dụng bất động sản năm 2023 không siết, không nới lỏng mà duy trì ở mức hợp lý, ưu tiên cho phân khúc phù hợp túi tiền.

Không siết, không nới lỏng mà duy trì tín dụng bất động sản ở mức hợp lý
Tín dụng vào bất động sản tiếp tục được kiểm soát hợp lý. (Ảnh: Int)

Nhìn lại năm 2022 về tín dụng bất động sản qua báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản, được biết tính đến 31/12/2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản gần 800.000 tỷ đồng.

Trong đó đáng chú ý, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Cùng với đó là dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16% tổng dư nợ. Hay như dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7% tổng dư nợ. Ngoài ra, dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng…

Điều đó cho thấy, thị trường vẫn đang được điều hành hợp lý, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro như bất động sản hạng sang, nghỉ dưỡng…

Tuy thế, thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn trong năm 2022 chủ yếu do vướng pháp lý và ách tắc về vốn. Trước tình hình này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những chỉ đạo kịp thời gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Mới đây nhất, trong Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…; tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế "tín dụng đen".

Cũng tại cuộc gặp mặt nhân dịp đầu xuân mới và giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành ngân hàng tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua.

"Tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… Khó khăn là có, nhưng chúng ta không bó tay trước khó khăn, chọn điểm đột phá để thực hiện", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản đang có những khó khăn thực sự về thanh khoản. Chính vì vậy, Thủ tướng mong muốn ngành ngân hàng phải hỗ trợ để thị trường bất động sản phục hồi trở lại. Bởi nếu thị trường bất động sản không phục hồi sẽ rất nguy hiểm. Hệ thống ngân hàng sẽ gặp khó khăn, hàng loạt các tập đoàn lớn rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán kể cả trái phiếu, nợ nhà thầu hay nợ người mua nhà.

“Tôi nghĩ sẽ không có ‘món quà’ nào cho tín dụng bất động sản trong năm 2023. Tôi hy vọng, với chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn duy trì chính sách lâu nay đối với thị trường bất động sản trong năm nay”, ông Nghĩa nói.

Hồi giữa năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng đưa ra thông điệp rằng, không có một văn bản nào nói siết tín dụng vào bất động sản, mà chỉ hạn chế tín dụng vào những lĩnh vực nóng, tiềm ẩn rủi ro.

Cuối tháng 12/2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong một số lĩnh vực, đặc biệt là kinh doanh bất động sản có giá trị lớn, phân khúc nghỉ dưỡng, có tính chất đầu cơ…

Trong thông điệp đầu năm 2023, ông Đào Minh Tú vẫn khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tín dụng tập trung hướng dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Đồng thời, ngành ngân hàng sẽ dành nguồn lực thỏa đáng tập trung vào những dự án, những chương trình kinh tế trọng điểm của Nhà nước, Chính phủ để tạo nền tảng cho việc khôi phục nhanh nền kinh tế, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc "lôi kéo" các hoạt động của lĩnh vực khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Không siết, không nới lỏng mà duy trì tín dụng bất động sản ở mức hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO