“Không dừng ở cách thức ứng phó với các thay đổi mà xác định phải đi trước một bước”

Phạm Minh | 13:21 22/01/2023

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về cách ứng phó với những khó khăn hiện tại của tình hình trong nước, thế giới tác động đến kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2023.

“Không dừng ở cách thức ứng phó với các thay đổi mà xác định phải đi trước một bước”
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Int)

MarketTimes: Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong điều hành vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn và thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên những biến động của ngoại cảnh là khó dự báo trước. Trongbối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đối phó với những yếu tố ngoại cảnh như thế nào?

Bộtrưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong thời gian vừa qua, chúng ta thường xuyên đánh giá bối cảnh kinh tế thế giới bằng những cụm từ “bất định”, “phức tạp”, “khó lường”. Trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều hành theo kịch bản tăng trưởng, gắn với những phân tích chuyên đề và cập nhật thường xuyên. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiên định thực hiện một số trọng tâm sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực phân tích và dự báo. Theo đó, Bộ đã tổ chức, đầu tư bài bản cho các đơn vị, chuyên gia thực hiện các phân tích định lượng và sử dụng các loại mô hình khác nhau để thực hiện dự báo. Bộ cũng thường xuyên trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để nắm bắt kịp thời, sát thực nhất tâm lý, kỳ vọng của thị trường. Đồng thời, Bộ trao đổi với các tổ chức quốc tế nhằm đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam.

Thứ hai, chủ động kiến nghị các biện pháp cải cách và điều hành kinh tế vĩ mô. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong nghiên cứu, tham mưu điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó cụ thể hóa về thời điểm, liều lượng và yêu cầu phối hợp giữa các chính sách (tài khóa, tiền tệ, đầu tư…).

Đặc biệt, khi thiết kế và đề xuất các gói chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến sau hai năm triển khai sẽ giúp nền kinh tế phục hồi và chuẩn bị được những điều kiện để tăng trưởng nhanh, mạnh trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, những biến động bất lợi của bối cảnh thế giới hiện nay đã và đang gây cản trở, khó khăn, thách thức rất lớn.

Thứ ba, Bộ luôn tâm niệm không dừng ở tham mưu cách thức “ứng phó” với các thay đổi ở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, mà xác định phải đi trước một bước với những tham mưu cải cách nhằm nâng cao năng lực nội tại, mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

MarketTimes: Năm 2022 nối tiếpkhó khăn từ đại dịch Covid-19, cùng với đó là thế giới chứng kiến sự xung đột giữa các nước với mâu thuẫn địa chính trị, nền kinh tế toàn cầu nguy cơ dẫn đến suy thoái. Tuy nhiên, những số liệu thống kê cho thấy tình hình kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu đạt được đã bỏ xa dự báo. Vậy nhờ đâu chúng ta đã vượt qua khó khăn để có được kết quả tốt như thế?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trước những biến động của dịch bệnh, xung đột chính trị, lạm phát tăng cao… trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu KTXH.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân ước dưới 4%. Tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 8%. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường. Công tác điều hành giá được chỉ đạo quyết liệt, sát sao, hiệu quả, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, sách giáo khoa, hỗ trợ hoạt động kinh doanh và đời sống người dân…

Để vượt qua những khó khăn, đạt được những thành quả tốt là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, trên dưới đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

Mặc dù đã hết sức nỗ lực hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra, nhưng nền kinh tế năm 2022, đặc biệt là những tháng cuối năm phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn.

Các thị trường xuất khẩu, đối tác lớn bị thu hẹp, đơn hàng xuất khẩu giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; tình hình lao động việc làm bị ảnh hưởng, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm giờ làm, cho nghỉ tết sớm…

Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Dòng vốn, thanh khoản của nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

MarketTimes: Trong bối cảnh thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2023, theo ông, để hoàn thành các mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đặt ra, chúng ta cần phải làm gì?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng các nghị quyết triển khai thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn, để đạt được các mục tiêu phát triển KTXH đặt ra, chúng ta cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2023.

Chúng ta cần kiên định, nhất quán với với quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tiếp tục chú trọng, nâng cao công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật, tạo điều kiện khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.

Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định, trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước.

MarketTimes: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Không dừng ở cách thức ứng phó với các thay đổi mà xác định phải đi trước một bước”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO