Muốn biết cuộc sống ở thành phố có đắt đỏ hay không, hãy hỏi những người đã có gia đình. Bởi suy cho cùng, chưa kết hôn, chưa sinh con, áp lực tài chính nếu có cũng sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều; bớt chi tiêu mua sắm linh tinh là ổn ngay. Chứ đã bước vào công cuộc bỉm sữa, câu chuyện sẽ khác ngay.
Vợ chồng ở thành phố, sống giản dị lắm rồi vẫn tiêu hết hơn 18 triệu mỗi tháng
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, bảng chi tiêu của một cặp vợ chồng khiến nhiều người đồng cảm. Cả hai đều chi tiêu tiết kiệm, không mua sắm quá đà hay ăn chơi quá trớn, vậy mà cộng dồn các khoản lại cũng hết 18,6 triệu đồng/tháng. Con số nghe thì thấy nhiều, chứ cũng chỉ đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu nhất.
Chia sẻ bảng chi tiêu này, bà mẹ trẻ thắc mắc không biết có khoản nào đang “hơi lố” hay không, và nhờ CĐM góp ý, tư vấn. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều đồng tình rằng chẳng biết cắt giảm đoạn nào được nữa vì tất cả đều là nhu cầu thiết yếu. Vậy mới thấy cuộc sống ở thành phố đắt đỏ, tốn kém thế nào, đặc biệt là với những người đang nuôi con nhỏ.
Sống ở thành phố lớn, muốn tiết kiệm thì đây là 5 việc đầu tiên cần làm!
Nhìn lại bảng chi tiêu của gia đình 2 người lớn, 2 trẻ con phía trên, không khó để nhận ra tiền ăn, tiền mua sắm đều ở mức tối thiểu. Điều đó đồng nghĩa với việc muốn chi tiêu ở mức tối thiểu, tối ưu chi phí ăn uống và mua sắm là điều quan trọng nhất.
1 - Ăn sáng tại nhà
Mang cơm đi làm ăn trưa, tối cũng ăn ở nhà rồi nên chẳng có lý do gì không ăn sáng tại gia cho tiết kiệm. Nghĩ đơn giản thế này, 1 bát phở bây giờ, rẻ lắm cũng đã 35-40k. Với số tiền ấy, bạn có thể mua 1 túi bánh sandwich, chi thêm khoảng 25k mua 10 quả trứng nữa là dư sức có 5 bữa sáng no bụng đủ chất.
2 - Không mua thực phẩm trái mùa
Nếu bạn chưa biết: “Mùa nào, thức nấy” là một trong những bí quyết tiết kiệm của người Nhật Bản. Việc này hàm ý khuyên bạn không nên ăn rau củ, trái cây trái mùa hay nói rộng hơn là thực phẩm nhập ngoại. Một phần vì chúng đắt hơn hẳn sản phẩm nội địa, một phần vì để rau củ, trái cây trái mùa có thể không an toàn vì quá trình nuôi trồng có thể phải sử dụng hóa chất.
Việt Nam vốn là “thiên đường nhiệt đới”. Hè có vải, nhãn, bơ, mít, sầu riêng,... Đông có hồng, lựu, cam cao phong,... Chuối, bưởi, ổi, lê, dưa hấu,... thì quanh năm đều có. Nếu kinh tế chưa dư dả, cứ mùa nào thức nấy cũng có khối lựa chọn để đa dạng hóa trải nghiệm ăn uống, đâu cứ phải kiwi, nho Mỹ,... mới được, đúng không?
3 - Mua ít quần áo, mỹ phẩm thôi!
Tối giản quy trình skincare và cả tủ quần áo, ngoài việc tiết kiệm tiền, còn giúp bạn tiết kiệm cả thời gian. Giống như cô vợ trong câu chuyện phía trên, tiền mua sắm cả tháng chỉ hết 500k. Nếu không sống tối giản, hạn chế mua sắm linh tinh, chắc chắn không thể làm nổi.
4 - Không được lơ là sức khỏe
Tiết kiệm, tối ưu chi tiêu chưa bao giờ đồng nghĩa với việc bỏ bê bản thân. Vài đồng để dành thêm được ấy có khi không đủ tạm ứng viện phí nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật. Thế nên, muốn tiết kiệm đến mấy cũng phải đầu tư chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ sau sinh.
5 - Hạn chế ăn nhậu, tụ tập bạn bè
Một bữa ăn hàng có thể bằng tiền ăn của cả gia đình trong vòng 1 tuần, thậm chí nửa tháng. Muốn tiết kiệm nhưng mà lại ham vui, kèo tụ tập nào cũng có mặt, tuần đôi bữa lẩu, dăm bữa cà phê thì chắc chắn chỉ có thể tiết kiệm trong mơ.
Nhưng cũng đừng đánh đồng việc hạn chế tụ tập bạn bè với việc không bao giờ giao lưu, duy trì các mối quan hệ xã hội. Vấn đề chỉ là bạn cần chọn lọc, xem đâu là mối quan hệ đủ gắn kết, đủ thân thiết để mình dành thời gian, tiền bạc cho nó. Thời buổi kinh tế khó khăn, thời gian là vàng là bạc, tiền cũng chẳng phải lá mít, hơi đâu mà chi ra cho những mối quan hệ vô thưởng vô phạt, đúng không?