Kết phiên 14/8, giá cổ phiếu KDC của Công ty CP Tập đoàn Kido (KIDO) ở mức 55.200 đồng/cổ phiếu, tăng 0,18% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh hơn 868 nghìn đơn vị.
Đáng chú ý, trong phiên 14/8, khối ngoại gom mạnh cổ phiếu KDC với giá trị 462 tỷ đồng.
Động thái này diễn ra khá bất ngờ, khi trong 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu KDC đã có đến 8 phiên giảm giá.
Rộng hơn, cổ phiếu KDC lập đỉnh cao nhất từ đầu năm tới nay vào phiên 07/6 ở mức 65.700 đồng/cổ phiếu. Ngay sau đó, giá cổ phiếu KDC liên tục điều chỉnh theo hướng đi xuống. Như vậy, tính đến kết phiên 14/8, giá cổ phiếu KDC đã “bốc hơi” 16%, tương ứng 10.500 đồng/cổ phiếu so với đỉnh giá hồi đầu tháng 6.
Sau khi, cổ phiếu KDC rơi xuống vùng giá thấp nhất kể từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã có động thái bắt đáy, khi liên tục gom mạnh mã cổ phiếu này trong những phiên gần đây.
Bên cạnh đà rung lắc mạnh của thị trường, thị giá cổ phiếu KDC biến động mạnh trong thời gian qua, có thể còn xuất phát từ kết quả kinh doanh kém khởi sắc của doanh nghiệp này trong 6 tháng đầu năm.
Về tình hình kinh doanh, quý 2/2024, KIDO ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.717 tỷ đồng, giảm 25,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 10,9 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm 2023.
Giải trình kèm báo cáo, doanh nghiệp này cho biết nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm xuất phát từ việc tái cấu trúc mô hình kinh doanh của KIDO đồng thời do biến động từ thị trường đã tác động lên doanh nghiệp.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, KIDO mang về 3.532 tỷ đồng doanh thu nhưng chỉ đạt vỏn vẹn 32 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 19% và 94,2% so với cùng kỳ.
Năm 2024, KIDO lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, KIDO mới chỉ thực hiện được 27% mục tiêu doanh thu và 6% chỉ tiêu lợi nhuận.
“Cạn” thanh khoản, VN-Index “thoát hiểm” bất thành ở cuối phiên
Đà rung lắc mạnh của thị trường trong những phiên vừa qua, phần nào khiến tâm lý của các nhà đầu tư càng thêm thận trọng. Hôm nay, thị trường mở cửa trong sắc xanh, dù thanh khoản xuống thấp, nhưng đà mua chiếm ưu thế trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch. Đến phiên chiều, thị trường rung lắc mạnh, khi các nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn rầm rộ, chỉ số chính VN-Index “rơi” xuống dưới tham chiếu ngay ở những phút cuối phiên.
Kết phiên 14/08, chỉ số VN-Index giảm 0,06%, xuống 1.230,36 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index giảm 0,5%, xuống 229,68 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,14%, xuống 92,65 điểm.
Thanh khoản trên thị trường “cạn kiệt”, khi tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chỉ đạt gần 14.700 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, thanh khoản đạt hơn 13.000 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế, với 196 mã giảm giá (gồm 1 mã giảm sàn), so với 131 mã tăng giá (gồm 3 mã tăng trần).
Dẫn đầu nhóm gây áp lực lên chỉ số chính VN-Index là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Giảm 1,68% xuống 88.000 đồng, cổ phiếu VCB của Vietcombank dẫn đầu nhóm gây sức ép lên chỉ số VN-Index. Theo sau là bộ đôi cổ phiếu ngân hàng là VPB và MBB. Tiếp đó là các cổ phiếu DGC, EIB, SSI, HVN, HAG, VND, FPT, …
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VHM của Vinhomes dẫn đầu nhóm kéo chỉ số VN-Index, khi tăng 2,34% lên 37.200 đồng/cổ phiếu. Theo sau là các cổ phiếu MSN, BID, SAB, TCB, VRE, GVR, GAS, BCM, SSB, …
Trái ngược với chiều đi xuống của thị trường, khối ngoại duy trì đà mua ròng trên sàn HoSE lên phiên thứ 4, với giá trị mua ròng đạt gần 664 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại gom mạnh nhất cổ phiếu KDC của KIDO với giá trị 462 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu MSN (215,68 tỷ đồng), cổ phiếu HDB (199,32 tỷ đồng), cổ phiếu TCH (51,17 tỷ đồng), …
Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ra nhiều nhất cổ phiếu HPG của Hòa Phát với giá trị 89,21 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu FRT (50,94 tỷ đồng), cổ phiếu VHM (46,27 tỷ đồng), cổ phiếu TCB (41,87 tỷ đồng), …