Khoảng chênh giá nông sản đang bị đổ vào chi phí logistics

Xuân Hồng | 00:53 13/01/2022

“Nhiều khi doanh nghiệp xuất khẩu nông sản rất mang tiếng với nông dân vì mua với giá thấp nhưng bán ở thị trường nước ngoài với giá rất cao. Nhưng khoảng chênh đó đang bị đổ vào hết chi phí logistics…”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T chia sẻ.

Khoảng chênh giá nông sản đang bị đổ vào chi phí logistics
Nếu doanh nghiệp thanh long đi đường biển thì cần có tiến trình, cam kết để doanh nghiệp đầu tư chuyển vỏ container về.

Ngày 12/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy nông sản qua vận tải đường biển.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Cục Hàng hải - Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện có khoảng 30 hãng tàu có xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó số hãng chuyên xuất khẩu sang thị trường này. Tại phía Bắc, hàng hóa đi đường biển container lạnh từ Hải Phòng thường theo thời vụ, còn từ Thành phố Hồ Chí Minh đi quanh năm. Tuy nhiên, do đặc thù của contaiter lạnh cần ổ cắm điện, mỗi tàu chỉ bố trí khoảng 20% công suất.

Cũng theo Cục Hành hải, trong tháng 11/2021 có khoảng 1.400 container lạnh từ Thành phố Hồ Chí Minh sang Trung Quốc. Tháng 12 con số này đã tăng hơn 3 lần, lên 4.100 container. Đây là sự dịch chuyển lớn cũng trùng với thời gian bị tắc ở đường bộ, điều này cho thấy hàng hoá đã có chuyển hướng từ đường bộ sang đường biển.

Tuy nhiên, khác với đường bộ, hàng hóa đi đường biển yêu cầu bộ chứng từ phải đầy đủ như phải có chất lượng, mã số vùng trồng… Nếu hàng hóa không đảm bảo các yêu cầu thì khi sang Trung Quốc sẽ bị trả lại và chủ hàng sẽ phải chịu toàn bộ chi phí.

Có một điểm khó là xuất hiện tình trạng thiếu container lạnh. Đó là do đặc điểm thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, hàng xuất khẩu sử dụng container lạnh nhưng hàng nhập khẩu lại không sử dụng container lạnh. Trong khi đó chi phí nhập khẩu vỏ container về rất cao và tình trạng hạn chế về ổ cắm trên tàu nên khả năng đáp ứng container lạnh không cao.

Ông Văn Nhật Tùng, đại diện hãng tàu CMA cho biết, hàng hóa xuất khẩu đường biển tăng thêm sẽ có xung đột với khách hàng đã đi thường xuyên và có cam kết với hãng tàu. Nếu doanh nghiệp thanh long đi đường biển thì cần có tiến trình, cam kết để doanh nghiệp đầu tư chuyển vỏ container về.

Đáng nói là các doanh nghiệp đã đi đường biển lâu nay đã có được hệ thống, sự tin tưởng của địa phương, lực lượng hải quan... Trong khi đó một số doanh nghiệp mới chuyển sang đường sẽ có những khó khăn nhất định..

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thì chỉ ra, xuất khẩu đường biển khác với đường bộ với nhiều hàng lẻ. Do đó cần có đầu mối thu gom hàng để đáp ứng về yêu cầu tập trung cũng như ổn định chi phí.

Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Rồng Đỏ đề xuất, các hãng vận tải nên phát triển đội tàu lạnh, trọng tải nhỏ để có thể vào các cảng gần vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, vấn đề vận chuyển quốc tế là thiếu yếu, cơ quan quản lý cần kiểm soát mức giá trần về phí logistics để hàng hóa có thể lưu thông được.

“Cần có sự minh bạch về cước vận chuyển để doanh nghiệp yên tâm trong thương mại. Phải làm rõ có hay không việc các hãng tàu nâng giá quá cao. Nhiều khi doanh nghiệp xuất khẩu nông sản rất mang tiếng với nông dân vì mua với giá thấp nhưng bán ở thị trường nước ngoài với giá rất cao. Nhưng khoảng chênh đó đang bị đổ vào hết chi phí logistics. Nếu tình trạng này kéo dài thì hàng hóa Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với các nước khác”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T nhấn mạnh.

Nói về hạ tầng giao thông đường biển, ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cơ sở hạ tầng cảng biển cơ bản đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, với phương thức vận tải đường biển, doanh nghiệp cần có sự chỉnh chu hơn về thủ tục và thời gian hình thành các tuyến. Thời gian vừa qua, các hãng tàu đã gánh đỡ một phần chi phí, nhưng cũng không thể gánh được mãi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các cửa khẩu để thông tin đến các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải phối hợp chặt với các địa phương biên giới để nắm thông tin kịp thời, nhằm đảm bảo lượng hàng không bị ùn tắc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Khoảng chênh giá nông sản đang bị đổ vào chi phí logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO