Trong số các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, Việt Nam hiện sở hữu một mặt hàng đứng thứ 6 thế giới.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại trong tháng 11 đạt 149.481 tấn với trị giá thu về hơn 353 triệu USD, giảm 8,1% về lượng và giảm 8,9% về trị giá so với tháng trước đó. Lũy kế 11 tháng đầu năm, xơ sợi dệt các loại đã thu về hơn 3,99 tỷ USD, tăng 13% về lượng nhưng giảm 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu đạt 2.453 USD/tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ trước tới nay, Trung Quốc đóng vai trò là khách hàng lớn nhất của xơ sợi Việt Nam, chiếm 53% tỷ trọng xuất khẩu trong 11T đầu năm. Từ đầu năm đến nay, thị trường này đã chi hơn 2,1 tỷ USD nhập khẩu 803.477 tấn xơ sợi của nước ta, tăng mạnh 23% về lượng và tăng 4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.636 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Tại Trung Quốc, bên cạnh nguồn cung bông, xơ sợi trong nước, quốc gia láng giềng này vẫn đang tăng mạnh nhập khẩu những nguyên liệu này từ các thị trường khác như Úc, Brazil và Việt Nam để phục vụ ngành công nghiệp dệt may. Dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của quốc gia láng giềng. Trong năm 2022, Trung Quốc đã thu về hơn 176 tỷ USD từ xuất khẩu dệt may, giữ vị trí nhà xuất khẩu dệt may đứng đầu thế giới. Tại Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu xơ sợi dệt các loại đã thu về hơn 2,54 tỷ USD, giảm nhẹ 4,3% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với năm 2021.
Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường chính của xuất khẩu xơ sợi còn bao gồm Hàn Quốc, Bangladesh, châu Âu,...
Theo phân tích từ các chuyên gia ngành dệt may, hai khu vực nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới là Mỹ và châu Âu đang có xu hướng giảm nhập khẩu nguyên liệu dệt từ Trung Quốc trong khi tăng nhập khẩu từ các nước khác. Vì vậy, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu xơ, sợi và dệt may trong tương lai.
Cũng theo các chuyên gia, dù ảm đạm so với cùng kỳ năm trước nhưng ngành xơ sợi bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực. Chỉ số giá sợi đầu vào của các nhà sản xuất sợi tại Trung Quốc tăng nhẹ cho thấy nhu cầu của mặt hàng này đang tốt hơn so với hồi đầu năm. Lượng hàng tồn kho của các thương hiệu lớn như Nike, H&M… đã giảm đáng kể. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp kéo sợi đã có thể hoạt động 100% công suất.
Dự báo trong năm 2024, ngành xơ sợi có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn năm 2023, mặc dù mức cải thiện nhỏ (tổng cầu năm 2024 dự kiến vẫn thấp hơn năm 2022 từ 5-7%) và ngành sợi có thể có những diễn biến bất ngờ do áp dụng chính sách chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, kịch bản ngành sợi năm 2024 được dự báo tăng 10% so với năm 2023.