Khó khăn của thị trường bất động sản ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề

Nguyên Trang | 21:51 07/04/2023

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trong Hội thảo “Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường bất động sản trong bối cảnh mới” được Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tại TP.HCM vào sáng ngày 7/4.

Khó khăn của thị trường bất động sản ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề
Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, đặc biệt là khó khăn về dòng vốn.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện của Bộ Xây dựng cho biết, theo thống kê, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây khoảng 11% (trong đó, đóng góp của ngành bất động sản trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác khoảng 4,5%).

“Năm 2022, là một năm có nhiều khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường bất động sản nói riêng và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi cả trong và ngoài nước. Đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án”, ông Khởi nhìn nhận.

Từ đó, ông cũng nêu lên khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhiều ngành nghề, phải cắt giảm một lượng lớn lao động, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội. Cũng do gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu và huy động vốn đã dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.

Cụ thể như, liên quan đến pháp luật về đất đai có một số tồn tại như: Nhiều dự án triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá thị trường (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án).

Đồng thời, nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, làm cơ sở để chấp thuận dự án. Một số trường hợp doanh nghiệp cổ phẩn hóa chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nay phải xem xét lại.

hinh-1-1-(1).jpg

Ông Nguyễn Mạnh Khởi chia sẻ, khó khăn của thị trường bất động sản ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề.

Về nguồn vốn tín dụng, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối năm 2022.

Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc Nhà nước kiểm soát chặt chẽ các điều kiện của doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng với đó, có một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư, dẫn đến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án và cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.

“Do vậy tôi kiến nghị, điều đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế. Điều mà doanh nghiệp vui mừng là Chính phủ ban hành Nghị định 10, từ đó kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc cho bất động sản du lịch, các vấn đề đấu giá sử dụng đất bởi nhiều địa phương đưa đất vào đấu giá nhưng không đấu được”, ông Khởi đề xuất.

Dự báo về thị trường bất động sản, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, Chính phủ rất quyết liệt, thị trường bất động sản không chờ doanh nghiệp nước ngoài vào để phát triển. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết để tháo gỡ thị trường BĐS, giải ngân vốn đầu tư công, các ngân hàng cho phép đáo hạn,...

Đồng thời Nghị định 10, Nghị quyết 08, Nghị quyết 33,... đã được ban hành. Pháp lý của các dự án là vấn đề trước đây, đang mắc, quan trọng hơn nữa là tháo gỡ cho những dự án mới, thị trường có lên, có xuống. Chính phủ và các bộ ngành sẽ cố hết sức để thị trường phát triển và sẽ khác.

Tuy nhiên, ông Khởi cho rằng không chỉ phải tháo gỡ về mặt pháp lý, bởi không phải các doanh nghiệp đều vướng mắc vấn đề này. Chính các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu về tháo gỡ và cần chủ động tổ chức rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp nhằm đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính, quy mô, khả năng quản trị của doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực của xã hội, tránh đầu tư dàn trải.

Cùng với đó cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện và báo cáo, đề xuất cơ quan, người có thẩm quyền xem xét giải quyết các thủ tục pháp lý của dự án để nhanh chóng triển khai, thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Khó khăn của thị trường bất động sản ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO