Chỉ 2 thập kỷ trước, năng lực sản xuất ô tô của Trung Quốc còn rất thấp. Hiện Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu nhiều ô tô hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Năm nay, Trung Quốc ước tính xuất khẩu 5,7 triệu ô tô, theo Alix Partners.
Thị trường ô tô nội địa của Trung Quốc cũng lớn nhất thế giới – gần bằng thị trường Mỹ và châu Âu cộng lại.
Nhờ có đầu tư lớn của chính phủ và những tiến bộ trong lĩnh vực tự động hóa, năng lực sản xuất ô tô của Trung Quốc tăng vượt bậc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại khiến doanh số ô tô suy giảm. Kết quả là, Trung Quốc hiện có khả năng sản xuất gần gấp đôi lượng ô tô mà người tiêu dùng cần.
Để giải quyết tình trạng dư thừa, Trung Quốc tăng cường xuất khẩu ô tô ra thị trường nước ngoài.
Trung Quốc đi đầu trong chuyển đổi sang xe điện (EV) và xuất khẩu nhiều EV hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Các thương hiệu Trung Quốc như BYD đang trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới với những chiếc ô tô điện tiên tiến có mức giá cạnh tranh nhất.
Nhưng các đối tác thương mại của Trung Quốc cho biết việc xuất khẩu cả EV và ô tô chạy bằng xăng của Trung Quốc đang đe dọa hàng triệu việc làm và các công ty lớn. Các chính phủ lo ngại vì ngành công nghiệp ô tô đóng vai trò lớn trong an ninh quốc gia. Đầu năm nay, Mỹ và EU đã áp dụng mức thuế quan mới đối với xe điện từ Trung Quốc.
Trong hơn 15 năm, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc phát triển xe điện nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu.
Năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu 1,7 triệu xe điện, nhiều hơn gần 50% so với nước xuất khẩu lớn thứ 2 là Đức. Kể từ năm 2020, các lô hàng xuất khẩu đã tăng vọt.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất là châu Âu, nơi người tiêu dùng ưa chuộng những mẫu xe nhỏ gọn như những mẫu được bán ở Trung Quốc.
Đông Nam Á cũng là thị trường lớn khi người mua ngày càng ưa chuộng xe Trung Quốc vì giá rẻ hơn.
Trung Quốc cũng xuất khẩu một số lượng nhỏ các loại xe hybrid (xăng lai điện).
Hiện nay, một nửa người mua ô tô ở Trung Quốc chọn xe điện chạy bằng pin hoặc xe hybrid. Cho đến gần đây, người mua cũng nhận được trợ cấp lớn từ chính phủ. Các nhà sản xuất ô tô được hưởng các khoản vay lãi suất thấp và ưu đãi thuế từ các ngân hàng nhà nước để sản xuất EV. Theo ước tính, Bắc Kinh đã hỗ trợ hơn 230 tỷ USD cho ngành xe điện và pin EV kể từ năm 2009.
Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mạnh và giữ vững vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện.
Do xu hướng chuyển dịch sang EV ở Trung Quốc, các hãng ô tô phải giảm giá xe xăng và bán ra nước ngoài. Năm ngoái, hầu hết xe Trung Quốc bán ra nước ngoài đều là xe chạy bằng động cơ xăng truyền thống.
Trong đó, Nga là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Doanh số tăng vọt sau xung đột Nga-Ukraine, một phần là do các hãng phương Tây rời khỏi thị trường Nga.
Xe chạy bằng xăng của Trung Quốc cũng được các nước có thu nhập trung bình và thấp ở Mỹ Latinh và Trung Đông ưa chuộng vì tiết kiệm chi phí.
Trung Quốc có hơn 100 nhà máy với tổng công suất gần 40 triệu ô tô động cơ đốt trong mỗi năm. Con số này gấp đôi nhu cầu của người dân và doanh số đang giảm nhanh khi xe điện trở nên phổ biến hơn.
Do đó, một số nhà máy lắp ráp đã bị đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Nhưng các nhà sản xuất ô tô, vì không muốn đóng cửa nhà máy, đang bán nhiều ô tô chạy bằng xăng ra nước ngoài với mức chiết khấu lớn.
Thuế quan có thể kìm hãm sự thống trị của xe hơi Trung Quốc?
“Cơn lũ” xe ô tô Trung Quốc khiến thế giới quan ngại. Ngoài EU, nhiều chính phủ đã áp dụng thuế bổ sung đối với xe điện từ Trung Quốc, bên cạnh mức thuế cơ bản áp dụng cho tất cả các loại xe nhập khẩu.
Nhưng thuế quan có thể không hoàn toàn làm lung lay lợi thế cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc tạo ra những chiếc xe có chất lượng tương tự như các hãng nước ngoài nhưng có chi phí thấp hơn. Các nhà phân tích của ngân hàng UBS ước tính chi phí lắp ráp ô tô do BYD sản xuất thấp hơn 30% so với các hãng phương Tây. Đặc biệt, Trung Quốc kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất pin ô tô điện, từ đó cắt giảm chi phí sản xuất.
D đó, với những lợi thế mà Trung Quốc nắm giữ trong sản xuất ô tô, ngay cả những cú ‘phản đòn’ mạnh mẽ của thế giới cũng khó có thể ngăn cản nước này thống trị ngành công nghiệp này trong nhiều năm tới.
Theo NYT