Khi vua trái cây Việt Nam lên ngôi vương 2023: Được người Trung Quốc đam mê ‘không lối thoát’, phá kỷ lục trở thành ‘kho báu’ xuất khẩu tỷ USD

Huyền Như/ TK: Hải An | 06:11 23/12/2023

Mùi vị đặc trưng khó quên, gai góc là những ấn tượng ban đầu khi nhắc đến trái sầu riêng của Việt Nam. Tuy nhiên trải qua năm 2023, sầu riêng đã chính thức bước lên một cương vị mới: trở thành vua trái cây tỷ USD khi có một năm xuất khẩu bùng nổ. Loại trái cây này đã vươn lên trở thành một ngôi sao sáng cực kỳ hiếm hoi trong bức tranh mang tên xuất khẩu 2023.

Khi vua trái cây Việt Nam lên ngôi vương 2023: Được người Trung Quốc đam mê ‘không lối thoát’, phá kỷ lục trở thành ‘kho báu’ xuất khẩu tỷ USD
sr-emag-demo-cover-web-02.jpg

Năm 2023 là một năm khó khăn đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa từ các nước phương Tây sụt giảm, các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam xuất đi từ điện tử tiêu dùng, may mặc/da giày đến đồ nội thất gỗ và máy móc, đều rơi vào tình trạng ảm đạm.

Tuy nhiên trong khi 90% xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái thương mại, các yếu tố địa chính trị,…thì 10% xuất khẩu nông sản còn lại đã vươn lên ngoạn mục bất chấp nghịch cảnh.

Nhóm hàng rau quả đã bứt phá trở thành nhóm hàng tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2023 với ngôi sao sáng ngành nông sản gọi tên sầu riêng. Từ một loại quả khó chăm sóc, khó trồng, khó tiêu thụ, vua trái cây đã ghi nhận mức tăng trưởng 4 chữ số trong năm 2023 nhờ niềm yêu thích mới của người tiêu dùng Trung Quốc đối với loại trái cây này và việc triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnerships - RCEP).

sr-emag-demo-title-1-web-02.jpg

Việt Nam được biết đến với một nước nông nghiệp lâu đời với nhiều loại nông sản có sản lượng thuộc top đầu của thế giới, vươn xa đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ. Một trong những loại nông sản nổi bật phải kể đến sầu riêng, một loại trái cây quen thuộc với người Việt Nam.

Sầu riêng được biết đến là một loại trái cây nhiệt đới, có nguồn gốc từ Đông Nam Á, nổi tiếng với biệt danh là “vua của các loại trái cây”. Mặc dù hương vị của sầu riêng khá nặng và nồng, nhưng nó lại chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn hầu hết các loại trái cây khác. Sầu riêng được sử dụng rộng rãi ở nhiều vùng nhiệt đới trên toàn thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Trái sầu thường có kích thước lớn, vỏ ngoài cứng và có nhiều gai nhọn bao phủ quanh vỏ và có nhiều giống khác nhau, phổ biến nhất là Durio zibethinus. Quả sầu riêng có thể dài tới 30cm và rộng khoảng 15cm, trọng lượng từ 1-3 kg. Mùi vị của loại quả này có thể mang lại những phản ứng khác nhau ở mỗi người, từ “khó chịu” cho tới “nghiện”.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 11 tháng đầu năm ước đạt hơn 5,19 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng nói, sầu riêng đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng của ngành rau quả khi chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này.

Tính đến nay, xuất khẩu sầu riêng chính thức vượt qua con số 2 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và chỉ tính đến 8 tháng năm 2023 đã đạt gần 1,2 tỷ USD (tăng gấp gần 3 lần so với cả năm 2022). Thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng nước ta gồm: Trung Quốc, Nhật, Úc,... chủ yếu là quả tươi và cấp đông.

sr-emag-demo-do-thi-1-web-02.jpg

Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk dẫn số liệu cho biết đến nay nước ta có hơn 112.000 ha sầu riêng, với tổng sản lượng hiện nay khoảng 900 nghìn tấn. Cả nước có 34 tỉnh thuộc 6 vùng trồng sầu riêng (trừ vùng đồng bằng sông Hồng). Trong đó, 4 tỉnh có diện tích sầu riêng trên 10.000 ha và sản lượng trên 50.000tấn/năm gồm: Đắk Lắk 28.600 ha và sản lượng 190.000 tấn, Lâm Đồng 17.700 ha và sản lượng 106.000 tấn, Tiền Giang 17.700 ha và sản lượng 293.000 tấn và Đồng Nai 11.500 ha và sản lượng 69.000 tấn.

sr-emag-demo-quote-1-web-02.jpg

Lợi nhuận do sầu riêng mang lại đang tạo nên cơn sốt khắp Tây Nguyên – nơi có diện tích và sản lượng sầu riêng lớn nhất cả nước. Ngay sau khi Việt Nam ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, loại quả này đã trở thành mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp và hộ gia đình tại khu vực này.

Trước năm 2015, lợi nhuận của mỗi 1 ha sầu riêng khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm, chỉ đứng sau cây tiêu. Đến cuối năm 2016, cây tiêu liên tục bị rớt giá thì sầu riêng bắt đầu tăng giá và luôn cho lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay với giá bán dao động từ 60.000 đồng – 70.000 đồng/kg doanh thu bình quân từ bán sầu riêng của các hộ gia đình dao động ở mức 1,3 tỷ đồng/ha/năm.

Sau khi trừ các chi phí, mỗi ha sầu riêng hiện mang lại lợi nhuận từ 800 – 900 triệu đồng/năm. Đà tăng của sầu riêng chưa dừng lại khi tại Đắk Nông, một số khu vực đã bước vào cuối vụ thu hoạch nhưng giá vẫn không ngừng tăng. Hiện, giá sầu riêng Thái "nhảy" lên mức 90.000 - 100.000 đồng/kg tuỳ loại.

Về biến động giá sầu riêng nội địa và xuất khẩu, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết tại đại hội cổ đông thường niên rằng ngay cả khi bán sầu riêng với giá 20.000 đồng/kg, thì vẫn có lãi. Lý do người đứng đầu HAGL đưa ra là giá thành sản xuất sầu riêng rất thấp, chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, tùy quy mô. Trên thực tế, giá sầu riêng bán trên thị trường nội địa “chưa bao giờ xuống mức 20.000 đồng/kg cả”. Sở hữu 1.200 ha sầu riêng bao gồm Musang King và Mong Thong Thái tại Việt Nam và Lào, bầu Đức là chủ doanh nghiệp có vườn sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á.

sr-emag-demo-anh-chen-07.jpg
sr-emag-demo-title-2-web-02.jpg

Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ năm 2019 đến nay, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 24 thị trường trên thế giới. Khối lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 10.000 - 15.000 tấn. Đóng góp vào thành công lớn này không thể không nhắc đến niềm yêu thích của người dân Trung Quốc - quốc gia ‘hàng xóm láng giềng’ dành cho quả sầu riêng Việt.

Hành trình xuất khẩu của sầu riêng chính thức bắt đầu sau khi ký kết Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này, lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ giữa tháng 9/2022.

Chỉ trong hơn 3 tháng cuối năm, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 40.800 tấn sầu với tổng kim ngạch 188 triệu USD sang thị trường Trung Quốc, được doanh nghiệp, các đại lý tiêu thụ trái cây và người tiêu dùng nước này đón nhận hết sức nồng nhiệt.

sr-emag-demo-quote-2-web-02.jpg

Về thị trường Trung Quốc, từ trước tới nay vốn là một quốc gia nhập khẩu quan trọng đối với gạo và thủy sản Việt Nam và chiếm tỷ trọng chính lên đến 65% thị phần trái cây/rau củ Việt Nam - thị phần đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua. Sau khi sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đây trở thành điểm đến của 95% sầu riêng Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, nước bạn còn là nơi tiêu thụ trái cây vua lớn nhất của thế giới.

sr-emag-demo-do-thi-2-web-02.jpg

Thống kê từ sàn thương mại điện tử Meituan của nước này cho thấy, nếu so với nhu cầu của năm 2022, năm nay lượng tiêu thụ sầu riêng đã tăng 700%. Việt Nam đã đạt mức xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cao kỷ lục (tăng 1.400% so với cùng kỳ năm trước) tính đến quý 3/2023, kết quả này đảm bảo cho sầu riêng vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam với tỷ trọng lên đến gần 40%.

Tại Trung Quốc, nhiều người dân tại quốc gia này thích ăn những loại trái cây đặc trưng của xứ nhiệt đới, trong đó có sầu riêng – đây là bước đệm cực lớn cho sầu riêng Việt Nam tiến sâu vào chinh phục thị trường gần 1,5 tỷ dân này. Sầu riêng đã lọt vào top tìm kiếm của Taobao, với lượt tìm kiếm có lúc tăng tới 418% trong vòng một tuần. Theo phóng viên Yicai, khi tra cứu từ khóa "sầu riêng" trên nền tảng Xiaohongshu - một phương tiện truyền thông xã hội kiêm nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, có tới 3,1 triệu kết quả trả về, trong khi số kết quả tìm kiếm liên quan đến cherry, loại quả đứng thứ hai về lượng nhập khẩu, chỉ là khoảng 760.000.

Tất cả các chủ đề, từ giá sầu riêng, giống và chất lượng sầu riêng hay cách lựa chọn sầu riêng, phương pháp bảo quản… tất cả đều được người dân Trung Quốc đặc biệt quan tâm.

Năm 2021, giá trị nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng 82,4%, lên 4,205 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với năm 2017. Năm ngoái, nước này cũng chi tới gần 4,4 tỷ USD để nhập sầu riêng và trở thành thị trường tiêu thụ chính. Dù chi số tiền khủng như vậy, nhưng chỉ khoảng 10% người dân Trung Quốc được ăn sầu riêng vì giá đắt đỏ. Các chuyên gia cho rằng, 10 năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, với dung lượng có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025.

sr-emag-demo-quote-3-web-02.jpg

Một điểm thú vị khác của người dân Trung Quốc khi nhắc đến sầu riêng là họ ví sầu riêng là loại quả sang trọng như cherry. Báo SCMP dẫn lời Ma Qian - một người dân sinh sống tại một quận vùng quê thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - cho biết việc tặng quà cưới hay quà đính hôn cho người thân và bạn bè hiện nay đã có thêm lựa chọn là sầu riêng, bên cạnh nho, dăm bông, sữa, và nấm khô như truyền thống.

“Em họ tôi đính hôn vào tháng trước và người lớn trong nhà đã yêu cầu tôi tặng sầu riêng thay vì nho, vì nghĩ rằng như vậy sẽ trang trọng và hợp thời hơn”, Ma Qian nói.

“Quan niệm xưa cho rằng sầu riêng có hàm lượng dinh dưỡng cao và ăn một trái sầu riêng bằng với ăn 3 con gà”, người này nói thêm.

Chưa dừng lại ở đó, “Tự do cherry” - một cụm từ thông dụng ở Trung Quốc nhằm ám chỉ khả năng một người có thể mua trái cây đắt tiền một cách thoải mái mà không cần đắn đo - bây giờ đã trở thành “tự do sầu riêng”.

Sầu riêng đang là mặt hàng thời thượng nhất trong giới trẻ tỉnh lẻ. Tại các quán cà phê đều phục vụ bánh crepe sầu riêng, sầu riêng dừa xay. Mỗi tháng, chúng tôi mua một quả sầu riêng để mọi người ăn chung. Giá đôi lúc sẽ là 40 nhân dân tệ/kg hay 60 nhân dân tệ/kg (130.000 - 200.000 đồng)”, Ma nói.

Zhang Liang, tài xế xe tải tại thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, đã tặng vợ một quả sầu riêng có giá 300 nhân dân tệ (hơn 990.000 đồng) và chia sẻ với SCMP: "Các tân lang tại miền quê thường phải tặng cho nhà gái nho, đào, rượu trắng, và bây giờ là một thùng sầu riêng. Điều này sẽ làm cho mẹ vợ tương lai của họ cảm thấy “nở mày nở mặt với làng xóm”.

sr-emag-demo-title-3-web-05.jpg

Thực tế ‘miếng bánh’ trị giá 20 tỷ USD tại thị trường tỷ dân không chỉ có riêng bóng dáng Việt Nam. Cuộc đua xuất khẩu sầu riêng còn có Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia... cùng tham gia. Tuy nhiên xét về sản lượng, chỉ có Việt Nam và Thái Lan trở thành cặp đối thủ chính. Malaysia và Philippines có diện tích nhỏ, sản lượng sầu xuất khẩu không đáng kể. Chưa kể, Malaysia có thế mạnh về sầu Musang King chín rụng nên rất khó xuất khẩu tươi; còn năng suất sầu của Philippines rất thấp, chỉ 5 tấn/ha, trong khi sầu Việt năng suất 20-30 tấn/ha. Đáng nói, sầu riêng ở các nước chỉ có theo mùa, còn Việt Nam thu hoạch quanh năm nên lúc nào cũng có hàng xuất khẩu, một lợi thế lớn của sầu riêng Việt Nam.

Việc vận chuyển sầu từ vùng trồng ở nước ta sang Trung Quốc gần, chỉ mất 1,5 ngày. Nhờ đó, sầu riêng đảm bảo tươi ngon, chi phí vận chuyển lại rẻ hơn so với Thái Lan (vận chuyển 6-8 ngày), Malaysia và Philippines.

Tuy không áp đảo về số lượng, nhưng sầu riêng Việt Nam lại có giá bán rất tốt khi cạnh tranh với các quốc gia khác từ Đông Nam Á (sầu riêng Philippines 27,6 NDT/kg, sầu riêng Thái Lan và sầu riêng Việt Nam lần lượt là 34,1 NDT/kg và 33,5 NDT/kg).

“Sầu riêng Philippines, Thái Lan chỉ có theo mùa, còn Malaysia mới chỉ được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc hàng đông lạnh. Nếu chúng ta làm tốt khâu vùng trồng cũng như đóng gói, 10 năm tới nước ta không cần lo lắng về thị trường cho sầu riêng”, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định.

sr-emag-demo-quote-4-web-05.jpg

Vậy trước nhu cầu lớn như vậy, Trung Quốc có tự trồng sầu riêng? Câu trả lời là có. Vào thời điểm đầu năm 2023, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin rằng khoảng 93,3 ha trồng cây sầu riêng tại Tam Á, đảo Hải Nam đã bói quả với ước tính tổng thu hoạch là 116,64 kg/ha. CCTV đưa tin chuyên gia nông nghiệp từ Đông Nam Á đã hỗ trợ trồng cây sầu riêng tại Trung Quốc. Được biết, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc bắt đầu trồng thử sầu riêng vào những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng tỷ lệ sống rất thấp. Từ năm 2018, địa phương này bắt đầu đưa vào trồng trên diện rộng, hiện toàn tỉnh có khoảng 30.000 mẫu diện tích trồng sầu riêng.

Tuy nhiên sau đó, Giám đốc Viện Cây ăn quả Nhiệt đới tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam kiêm nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam cho hay sản lượng sầu riêng ước tính chỉ đạt 50 tấn, tức 0,005% tổng lượng sầu riêng tiêu thụ ở Trung Quốc trong năm nay. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 2.450 tấn được đặt ra trước đó.

Chen Lei, Tổng thư ký Hiệp hội Phân phối trái cây Trung Quốc, tin rằng việc trồng sầu riêng thương mại quy mô lớn sẽ cần nhiều thời gian và giá không thể giảm đáng kể trong thời gian ngắn. Sầu riêng “made in China” hiện đang có giá khoảng 60 NDT (gần 200.000 đồng) cho khoảng 600 gram, với số lượng cực kỳ hạn chế.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc Trung Quốc trồng sầu riêng chưa chắc đã có trái, và có trái chưa chắc đã ngon. Bởi lẽ, cây sầu riêng kén chọn thổ nhưỡng, khí hậu, nắng quá hay mưa nhiều quá đều không được. Sầu riêng trồng ở vùng không có nước sẽ rất khó. Trung Quốc trồng ở Hải Nam, đây là khu vực gánh chịu nhiều cơn bão, cây rung lắc sẽ khó đậu và giữ quả. Muốn thành công cũng phải mất 10 năm. Vì vậy trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục phụ thuộc vào Đông Nam Á cho sầu riêng. Nếu sang năm 2024, sầu riêng Việt Nam có thêm nhiều mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp, khả năng xuất khẩu sầu riêng đạt con số 2 – 2,5 tỷ USD.

sr-emag-demo-anh-chen-06.jpg
sr-emag-demo-title-4-web-05.jpg

Bên cạnh Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam còn rất nhiều thị trường tiềm năng để phát triển thông qua các FTA thế hệ mới bởi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại như: CPTPP, EVFTA, RCEP, cùng với việc tham gia các cộng đồng lớn như ASEAN, Liên minh Kinh tế Á - Âu. Đây là dư địa để sầu riêng có thể tăng trưởng hơn nữa về giá trị xuất khẩu.

Một ví dụ điển hình là Vương quốc Anh với mức thuế ưu đãi 0% theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA), sầu riêng Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn về giá so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại (đang chịu mức thuế 8%), trong bối cảnh lạm phát cao khiến giá là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng Anh.

sr-emag-demo-anh-chen-set-web-05.jpg

Tại Diễn đàn trực tiếp kết hợp trực tuyến “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã cho biết chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, Bộ trưởng mong muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp cùng hợp tác với nhau xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam, có như vậy sầu riêng Việt Nam mới phát triển bền vững, cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, đảm bảo chất lượng trái bằng cách thu hoạch đủ độ chín, không tồn dư dư lượng hóa chất, xử lý sau thu hoạch sao cho trái sầu riêng có chất lượng tốt nhất khi xuất khẩu để giữ uy tín thương hiệu của vùng trồng và thương hiệu quốc gia là những vấn đề quan trọng mà nhà vườn, doanh nghiệp thu mua và chính quyền địa phương cần quan tâm. Chính phủ cũng sẽ cần tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ để việc tiêu thụ sầu riêng bền vững hơn.

Theo ý kiến các chuyên gia trong ngành khác, ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng còn cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến, đồng thời quy hoạch chặt chẽ việc phát triển diện tích trồng sầu riêng trên cả nước.

Dự kiến trong những năm tới, sầu riêng của Việt Nam vẫn giữ vững ngôi vị trái cây xuất khẩu tỷ USD và tiếp tục mở rộng chinh phục các thị trường lớn trên thế giới.

Bài: Huyền Như

Thiết kế: Hải An


(0) Bình luận
Khi vua trái cây Việt Nam lên ngôi vương 2023: Được người Trung Quốc đam mê ‘không lối thoát’, phá kỷ lục trở thành ‘kho báu’ xuất khẩu tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO