Khan hiếm thuốc điều trị Covid, thị trường chợ đen Trung Quốc “chặt chém” bệnh nhân

Quỳnh Anh | 19:31 19/01/2023

Nguồn cung khan hiếm, nhu cầu gia tăng khiến nhiều người bán hàng tìm kiếm nguồn cung ứng thuốc điều trị Covid-19 từ Ấn Độ và khu vực biên giới để bán trên mạng. Nhưng nhiều người dân phải nhận cái kết đắng khi đặt mua những đơn thuốc này…

Khan hiếm thuốc điều trị Covid, thị trường chợ đen Trung Quốc “chặt chém” bệnh nhân
Người dân đeo khẩu trang xếp hàng chờ mua thuốc bên ngoài một hiệu thuốc khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters/Alessandro Diviggiano)

Nội dung chính:

  • Tình trạng khan hiếm thuốc kháng virus Covid-19 đang xảy ra tại Trung Quốc buộc người dân phải tự tìm kiếm nguồn cung cấp khác thay vì trông chờ vào bệnh viện và phòng khám. 
  • Người dân Trung Quốc chi nhiều tiền để đặt thuốc thông qua chợ đen trực tuyến nhưng phải đối mặt rủi ro lừa đảo, hay giao hàng chậm trễ…. 
  • Thị trường chợ đen trực tuyến Trung Quốc bùng nổ thuốc kháng virus Covid-19 với nguồn gốc và chất lượng khó kiểm định. 

Paxlovid, loại thuốc kháng virus Covid-19 nước ngoài duy nhất được phê duyệt ở Trung Quốc, có thể được mua với giá khoảng 320 USD (7,5 triệu đồng) tại các bệnh viện hoặc phòng khám. Tuy nhiên, nhiều người gặp khó khăn trong việc mua thuốc từ kênh chính thống do người dân đổ xô tích trữ thuốc và hàng trăm nghìn ca nhiễm biến thể Omicron kích thích nhu cầu về thuốc kháng virus.. 

Quan chức Trung Quốc cho biết họ đã bắt đầu vận chuyển Paxlovid đến một số bệnh viện và phòng khám, nhưng loại thuốc này vẫn rất khó tìm mua. Nhiều phòng khám ở một số thành phố, bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải, nói với AFP rằng hiện họ không thể cung cấp thuốc điều trị và chưa biết khi nào có thể. 

Đối mặt với các kệ thuốc trống trơn, nhiều gia đình Trung Quốc đang bị đẩy vào thị trường chợ đen trực tuyến đầy rẫy lừa đảo và “hét giá” trong lúc tuyệt vọng tìm kiếm các loại thuốc điều trị Covid-19. 

Nhiều người buộc phải mua thuốc từ những người bán hàng đáng ngờ trên mạng do các hiệu thuốc thiếu hàng sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ hạn chế về Covid-19. (Ảnh: Jade Gao) 

Đầu tháng 12/2022, chính phủ Trung Quốc đột ngột dỡ bỏ các hạn chế đối với Covid-19 khiến người dân phải chuẩn bị cho đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất có thể xảy ra. Với dân số cao tuổi chưa được tiêm phòng đầy đủ và các liệu pháp điều trị thiếu hụt nghiêm trọng, những người đầu cơ và người dân có thuốc dự phòng đã bán trên kênh trực tuyến với giá cao. 

Mua thuốc điều trị Covid-19 trên mạng: vàng thau lẫn lộn 

Trong quá trình tìm kiếm phương pháp điều trị cho các thành viên gia đình nhiễm Covid-19, Qiu (22 tuổi) đã kết nối với một người tự xưng là đại diện cho hãng dược Ghitai Pharmaceutical có trụ sở tại Hồng Kông. Người này cho biết họ có quyền truy cập vào kho dự trữ Paxlovid và gửi thuốc đến Trung Quốc.  

Sau khi được chỉ dẫn truy cập vào một trang web "chính thức", Qiu đã chi 12.000 nhân dân tệ (41,5 triệu đồng) để mua 6 hộp Paxlovid. Tuy nhiên, những viên thuốc không bao giờ đến và người bán hàng đã cắt đứt liên lạc khiến cô ấy "đau đớn, bất lực và vô cùng tức giận" - Qiu nói với AFP.

Chất lượng thuốc được bán tràn lan trên mạng cũng đặt ra nhiều nghi vấn. Yin Ye, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu gen BGI Group, chia sẻ trên Weibo rằng ông đã thử nghiệm một số loại thuốc được đóng gói dưới dạng thuốc Paxlovid của Ấn Độ và phát hiện chúng là hàng giả. 

Một thách thức khác đến từ logistics. Các dịch vụ vận chuyển và giao hàng quốc tế bị trì hoãn do nhiều nhân viên bị ốm trong tháng qua. Một người họ Liu tại tỉnh Hồ Nam Liu cho biết anh đã mua 5 hộp thuốc Paxlovid vào tháng 12 nhưng phải mất 23 ngày để bưu kiện đến Trung Quốc. Khi đó, các thành viên trong gia đình anh đều đã hồi phục. Anh Liu dự định bán lại cho người khác.

Người bán thu lời từ kênh trực tuyến 

Một doanh nhân Trung Quốc 50 tuổi sống ở Mỹ, chuyên bán thuốc của Ấn Độ, nói với Rest of World rằng ông đã dành gần như toàn bộ thời gian trong tháng qua để xử lý các đơn đặt hàng từ Trung Quốc. Kể từ tháng 12, ông đã bán được khoảng 20.000 hộp thuốc Paxlovid cũng như Molnupiravir thông qua Twitter và Telegram. 

“Tôi đang thu về lợi nhuận tốt mà còn giúp đỡ mọi người” - một người bán hàng giấu tên tại Mỹ cho biết. Với mỗi hộp thuốc Paxlovid có giá từ 145 - 203 USD, vị thương nhân này thu về 15% lợi nhuận. Một số khách hàng đã đặt 300 hộp trong một lần để bán lại ở Trung Quốc, ông nói thêm. 

 Zhang Junfei, một doanh nhân tỉnh Thiểm Tây, nói với Rest of World rằng anh đã tìm nguồn thuốc ở khu vực biên giới có dân cư thưa thớt và nhu cầu thấp hơn như Tây Tạng, Tân Cương và đăng bán trên Wechat. 

Zhang cho biết bán được khoảng 400 hộp Ibuprofen và khoảng 5 hộp Paxlovid nhưng từ chối tiết lộ nguồn gốc của thuốc. Zhang còn bán thêm bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 và huyết thanh miễn dịch tiêm tĩnh mạch - một liệu pháp kháng thể chưa được chứng minh là có hiệu quả chống lại Covid-19. 

Tháng trước, Tencent đã tung ra một tính năng trên WeChat để kết nối những người cần thuốc với những người ở gần có sẵn. Đến nay, người dùng, bao gồm cả những người sống ở các thị trấn nhỏ và làng mạc, vẫn đang cầu xin trực tuyến về thuốc Ibuprofen, nhiệt kế và bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19. 

Trên các mạng xã hội của Trung Quốc bao gồm Weibo, WeChat và Xiaohongshu, nhiều người bán Paxlovid với mức giá lên đến 2.200 USD (51,5 triệu đồng). Ở các khu vực lân cận như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, các hiệu thuốc sắp hết thuốc cảm do nhiều người mua để gửi đến Trung Quốc. 

Trong khi làn sóng Covid-19 mới nhất có thể đã đạt đỉnh ở các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc, một số nhà nghiên cứu nhận định khu vực nông thôn sẽ chứng kiến số ca bệnh tiếp tục gia tăng trong những tuần tới. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Khan hiếm thuốc điều trị Covid, thị trường chợ đen Trung Quốc “chặt chém” bệnh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO