Hãng tin CNN nhận định đà giảm dân số năm 2022 của Trung Quốc, điều lần đầu tiên xảy ra sau hơn 60 năm sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế thứ 2 thế giới này sau nhiều thập niên bùng nổ mạnh.
Số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy dân số nước này năm 2022 đã giảm 850.000 người so với năm trước đó xuống còn 1,411 tỷ dân. Đây là lần đầu tiên diễn ra tình trạng người Trung Quốc ngày càng ít đi kể từ năm 1961, thời điểm nạn đói cuối cùng xảy ra ở nước này.
“Dân số Trung Quốc sẽ tiếp tục đi xuống trong những năm tới. Đây là yếu tố gây ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu tiêu thụ nội địa”, chuyên gia kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của Pinpont Asset Management nhận định.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm 2022 cũng rớt xuống mức thấp kỷ lục 6,77 trẻ trên mỗi 1.000 người so với 7,52 trẻ của năm trước. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc tuyên bố độc lập vào năm 1949.
Trong năm vừa qua, Trung Quốc chỉ có 9,56 triệu trẻ em được sinh ra, thấp hơn mức 10,62 triệu của năm 2021 bất chấp việc chính quyền Bắc Kinh khuyến khích các cặp đôi sinh thêm.
Báo cáo của NBS được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có năm tồi tệ nhất suốt 50 năm qua. Tăng trưởng của nước này dự tính chỉ đạt 3%, thấp hơn mục tiêu của chính phủ. Việc dân số già hóa cùng ngày càng thiếu lao động sẽ khiến thách thức của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc (UN) thì dự đoán trong năm 2023, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Không chịu “đẻ”
Hãng tin CNN nhận định Trung Quốc đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nhân khẩu khi dân số ngày càng ít đi gây ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế cũng như xã hội. Lực lượng lao động ngày càng ít sẽ phải gánh trên vai ngày càng nặng trách nhiệm chăm sóc trẻ em và người già.
Vào năm 2015, chính quyền Bắc Kinh đã nhận ra chính sách chỉ sinh 1 con thực hiện bất lâu nay nhằm đảm bảo an ninh lương thực sẽ gây ảnh hưởng đến lực lượng lao động trên thị trường trong bối cảnh dân số đang lão hóa nhanh chóng.
Bởi vậy chính sách này đã được chấm dứt vào năm 2016, thế nhưng tỷ lệ sinh của Trung Quốc vẫn cắm đầu đi xuống.
Ngay lập tức, các nhà hoạch định chính sách nước này đã nới lỏng thêm quy định khi khuyến khích các hộ gia đình có 3 con, tuyên truyền về một đại gia đình đông người, gia tăng trợ cấp nghỉ sinh, ưu đãi về thuế cùng nhiều chương trình hỗ trợ khác.
Thế nhưng hãng tin CNN cho rằng tư tưởng trọng nam khinh nữ, chi phí sinh hoạt cao, giáo dục giới tính còn hạn chế cũng như sự bất ổn của nền kinh tế đã khiến nhiều cặp vợ chồng từ chối sinh thêm.
Thậm chí giới trẻ Trung Quốc ngày nay còn chọn kết hôn muộn hoặc không sinh con trước những áp lực của cuộc sống hiện đại.
Rất nhiều “con một” của các gia đình theo chính sách 1 con trước đây hiện đang phải gồng mình chăm sóc bố mẹ già cũng như nuôi con cái, tạo nên sự ám ảnh cho thế hệ trẻ.
Giảm tốc
Số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc hiện có 1/5 dân số là người già với số người trên 60 tuổi đạt tới 280 triệu người vào năm 2022, mức tăng 13 triệu người so với năm 2021.
Trên thực tế, đà giảm dân số của Trung Quốc cũng tương tự nhiều nền kinh tế khác khi chất lượng sống bắt đầu lên cao. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã phải chứng kiến dân số giảm cùng tỷ lệ lão hóa nhanh khi kinh tế phát triển, qua đó đe dọa đến nguồn cung lao động cũng như tạo thêm gánh nặng về an sinh xã hội.
Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 cho thấy tổng dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2014 và sẽ giảm dần xuống chỉ còn 1/3 vào năm 2100. Trong khi đó, số người già trên 60 tuổi sẽ tiếp tục tăng mạnh và vượt số người trong độ tuổi lao động vào năm 2080.
Số liệu chính thức cho thấy người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc hiện vẫn đang tiếp tục giảm. Tính đến cuối năm 2022, độ tuổi này chỉ chiếm 62% tổng dân số, mức giảm nửa điểm phần trăm so với năm 2021.
“Nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi lớn khi họ không thể dựa vào lực lượng lao động đông đảo giá rẻ để thúc đẩy công nghiệp và tăng trưởng như trước đây được nữa...Khi nguồn cung lao động giảm sút thì năng suất sẽ buộc phải tăng lên nếu muốn duy trì đà đi lên của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng Frederic Neumann của HSBC chi nhánh Châu Á nhận định.
Theo ông Neumann, mặc dù tăng trưởng của Trung Quốc vẫn sẽ cao hơn nhiều thị trường phát triển trong những năm tới nhưng đà tăng này đang chậm lại khi năng suất không thể bắt kịp lực cản từ sự suy giảm nguồn cung lao động.
*Nguồn: CNN