Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, tập trung vào 3 nội dung: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; Việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.
Còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung tháo gỡ
Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong 2 năm qua, cùng với cả nước, ngành công thương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra.
Bối cảnh bên ngoài không thuận lợi, một phần bị gián đoạn chuỗi cung ứng, phần khác vì xu hướng bảo hộ mậu dịch, xung đột lợi ích và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt,… đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong đó nguồn cung và giá cả trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, nhất là về xăng dầu.
Bên cạnh đó, xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Ngoài ra, tình hình giá một số nguyên liệu, vật tư chiến lược, nhất là xăng dầu tăng cao; tình trạng buôn lậu, hàng giả không rõ nguồn gốc xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có dấu hiệu gia tăng; tình trạng ùn tắc hóa tại biên giới.
Trước thực trạng hiện nay, Bộ Công thương đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề nêu trên để bảo đảm đáp ứng đủ lương thực, đặc biệt là xăng dầu trong nước. Cụ thể, Bộ Công thương đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để bổ sung nguồn cung do thiếu hụt sản lượng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; chỉ đạo tăng cường chia sẻ nguồn cung giữa các đầu mối; kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với các chế tài cao nhất. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan điều hành xăng dầu theo đúng quy định của Nhà nước, bám sát diễn biến giá thế giới.
Cũng theo Bộ trưởng, nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt đó, tình hình cung ứng xăng dầu được duy trì ổn định, nguồn cung xăng dầu 3 tháng đầu năm được bảo đảm và có phương án cụ thể, khả thi về nguồn cung đến hết quý 2/2022 trong điều kiện năng lực sản xuất dầu trong nước vẫn chưa đạt được như cam kết.
Đối với công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ Công thương đã ban hành và tham mưu Chính phủ sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện hàng trăm đợt kiểm tra, kiểm tra đột xuất với nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tấn công triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lớn. Qua đó, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực tại hầu hết các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, Bộ Công thương đã cùng với các bộ, ngành liên quan kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc, trao đổi với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng đẩy mạnh làm việc với các đối tác phía bạn thông qua nhiều hình thức trực tuyến và công thư để cùng tìm giải pháp, xử lý kịp thời.
Bộ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành giải quyết ùn tắc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công thương làm Trưởng ban để phối hợp cho các bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mở lại và duy trì thông quan các cửa khẩu,... Nhờ những biện pháp này, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc đã từng bước tháo gỡ, lượng xe chờ xuất khẩu đã giảm đáng kể, nhất là thời điểm cận và ngay sau Tết Nguyên đán.
Báo cáo tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng thừa nhận, dù đã đạt những kết quả nhất định nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà ngành Công thương cần tập trung tháo gỡ, khắc phục để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước.
Tính đến việc áp dụng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội
Về vấn đề cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, vừa qua giá xăng dầu thế giới tăng đột biến, do đứt gẫy nguồn cung và khủng hoảng Nga – Ukraine.
Ở trong nước nguồn cung xăng dầu cũng gặp khó khăn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động đột ngột.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo hệ thống phải nhập đủ sản lượng bù vào số lượng Nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt. Đến thời điểm hiện tại chúng ta đủ nguồn cung xăng dầu cho hết tháng 3. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu cao hơn mức bình thường để đảm bảo nguồn cung trong nước không lúc nào thiếu.
Về điều hành giá, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành linh hoạt. Sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Qua đó biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam (từ 29-40%) thấp hơn so với thế giới (tăng từ 40-60% tùy mặt hàng). Tuy nhiên hiện nay, dư địa điều chỉnh của Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều. Hai Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, trình UBTVQH xem xét giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, phí. Nếu đã sử dụng hết các công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá xăng dầu, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, sẽ phải áp dụng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng trực thuộc, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở bán lẻ xăng dầu cố tình găm hàng tăng giá…”, ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Xuân Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế nhiều cây xăng cho biết không có xăng để bán. Trong khi đó, Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung không thiếu. Vậy "có chuyện găm xăng dầu từ các doanh nghiệp phân phối, đầu mối hay không?"
Về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ thì chỉ có 211 cửa hàng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật. Còn những nơi không có hàng thì theo Bộ trưởng, chủ yếu do nhận nguồn hàng từ Nhà máy Nghi Sơn. Do đơn vị này dừng đột ngột nên ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc gián đoạn chỉ mất vài ngày, Bộ Công Thương đã chỉ đạo kịp thời để chia sẻ nguồn cung.
Về lo ngại tình trạng doanh nghiệp đầu mối găm hàng, Bộ Công thương đã tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp đầu mối. Hiện đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ nên chưa thể báo cáo cụ thể. Nếu doanh nghiệp vi phạm dứt khoát sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Cao nhất có thể rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Chúng ta phải thay đổi, "thích ứng với thiên hạ".
Về vấn đề ùn ứ nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguyên nhân là do Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid nên việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Bên cạnh đó, là do thương nhân Việt Nam quen xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, khi chính sách phía bạn thay đổi nên gặp khó. Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khuyến nghị các địa phương có phương án vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, nếu cứ làm theo cách cũ. Có gì làm nấy. Có gì bán nấy sẽ bị động. Do đó, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường. Trước mắt, tinh thần là "tắc đâu thì phải thông đấy". Bộ Công Thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...
Bộ trưởng Bộ Công thương lưu ý; “Về lâu dài, chúng ta phải thay đổi, "thích ứng với thiên hạ", phải tập trung chuyển từ xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới. Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt”.
Vấn đề cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép. Cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội đều rất quan tâm đến các biện pháp của Bộ Công Thương, của Chính phủ để bảo đảm được nguồn cung xăng dầu, bao gồm cả vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ