Kế hoạch áp giá trần đối với dầu thô Nga gặp khó khăn

Hải Hà | 14:11 30/06/2022

Kế hoạch dường như không mang lại hiệu quả như mong đợi khi Chính phủ Nga vẫn đang kiếm được nhiều tiền từ xuất khẩu năng lượng, như thời điểm trước khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Kế hoạch áp giá trần đối với dầu thô Nga gặp khó khăn
Xuất khẩu dầu của Nga sang châu Á tăng đã giúp bù đắp một phần lớn những thiệt hại từ lệnh trừng phạt.

Phương án mới: Áp giá trần đối với dầu thô Nga

Trước đó, Mỹ và châu Âu đã cấm nhập khẩu dầu Nga nhằm chặn đứng một nguồn thu quan trọng và cô lập nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, lạm phát gia tăng trên toàn cầu, gây sức ép cho chính trị các nhà lãnh đạo nhưu Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Điều này buộc các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế hàng đầu phải cân nhắc một phương án mới: áp giá trần đối với dầu thô Nga.

Dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ mà hãng CNN đưa tin, mục tiêu hiện nay là chặn nguồn thu và ép giá dầu Nga giảm xuống trong bối cảnh các khách hàng châu Âu đã giảm nhập khẩu từ Nga ngay cả trước khi lệnh cấm vận một phần của khối này có hiệu lực.

Trong bối cảnh này, xuất khẩu dầu của Nga sang châu Á tăng đã giúp bù đắp một phần lớn những thiệt hại đó.

Trung Quốc đã lần đầu tiên nhập khẩu 2 triệu thùng dầu Nga/ngày trong tháng trước nhờ giá dầu rẻ.

Nhập khẩu dầu của Ấn Độ cũng tăng lên gần 900.000 thùng/ngày trong tháng 5/2022.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 1,7 tỷ USD trong tháng 5/2022 lên khoảng 20 tỷ USD, con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình năm 2021 là khoảng 15 tỷ USD.

Darwei Kung, Giám đốc quản lý danh mục hàng hóa tại DWS, cho hay nếu Trung Quốc và Ấn Độ phải tìm nguồn thay thế dầu thô Nga, giá dầu có thể leo lên tới 200 USD/thùng.

Hiện giá dầu đang được giao dịch ở mức 112 USD/thùng.

Mỹ có thể trừng phạt các quốc gia tiếp tục làm ăn với Nga nhưng điều đó sẽ tiếp tục gây ra sự bất ổn trên thị trường dầu, điều mà các nhà lãnh đạo đang rất muốn tránh khi giá xăng dầu vẫn ở gần mức cao kỷ lục.

Theo kế hoạch, với mức giá trần, các thùng dầu của Nga vẫn có thể tiến vào thị trường toàn cầu, do đó tránh được tình trạng khan hiếm nguồn cung, nhưng Nga sẽ không thể thu được lợi nhuận cao.

Chính quyền Tổng thống Biden đã tích cực vận động cho đề xuất này trong những ngày gần đây và các quan chức Đức đã bày tỏ việc sẵn sàng thảo luận.

Tuy nhiên, các nội dung quan trọng như làm thế nào, khi nào và giá dầu Nga được giới hạn ở mức bao nhiêu vẫn mờ mịt.

Mỹ Latinh không đồng thuận với kế hoạch 

Theo giáo sư, nhà kinh tế người Paraguay Victor Raul Benítez González làm việc tại Quỹ Getulio Vargas của Brazil, các nước Mỹ Latinh có thể sẽ không ủng hộ sáng kiến của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp mức giá trần đối với dầu mỏ nhập từ Nga.

Ông González cho rằng, nguyên nhân khiến các Mỹ Latinh không ủng hộ sáng kiến của G7 là do việc áp giá này sẽ làm tăng lạm phát và gây mất ổn định cho các nguồn cung cấp lương thực.

Trước đó, vào ngày 28/6, lãnh đạo các nước G7 đã nhất trí nghiên cứu việc áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Các nước G7 sẽ xem xét đưa ra lệnh cấm toàn diện đối với các dịch vụ vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga bằng đường biển trên toàn thế giới, trừ khi nguyên liệu thô ấy được mua bán với giá ngang bằng hoặc thấp hơn mức giá trần mà các đối tác quốc tế chấp nhận thông qua thỏa thuận.

Liên minh châu Âu (EU) cùng với các đối tác quốc tế sẽ thăm dò các biện pháp để kiềm chế giá năng lượng, trong đó có nghiên cứu tính khả thi của phương án tạm thời áp mức trần giá nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga.

Các nước thành viên G7 đã tranh luận về việc áp giá trần toàn cầu đối với năng lượng từ Nga sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt.

Mỹ là quốc gia đầu tiên kêu gọi áp dụng cơ chế nhằm giới hạn mức giá thanh toán cho dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, cơ chế này gắn dịch vụ tài chính, bảo hiểm và vận chuyển đường biển với mức trần giá dầu mỏ Nga.

Trong khi đó, Italy, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng Nga, thúc đẩy mở rộng áp mức giá trần đối với mặt hàng khí đốt.

Pháp đề xuất cơ chế áp mức giá trần cần mở rộng ra ngoài các sản phẩm nhập khẩu từ Nga để giảm giá trên diện rộng hơn, trong đó có việc các nước G7 tìm các nguồn cung từ những nơi khác

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kế hoạch áp giá trần đối với dầu thô Nga gặp khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO