Theo nhà phân tích Matthew Boss của JPMorgan, kinh tế Mỹ đang bị chia rẽ bởi một “cuộc suy thoái chọn lọc” trong bối cảnh một lượng nhỏ người tiêu dùng chứng kiến khối tài sản tăng mạnh, và bộ phận còn lại phải vật lộn để tồn tại.
Theo ước tính của Boss, người tiêu dùng thu nhập thấp và thu nhập cao có sự phân hóa rõ rệt. Người tiêu dùng thu nhập cao đóng góp 40 nghìn tỷ USD chi tiêu cho nền kinh tế, chiếm khoảng một nửa tổng chi tiêu của người tiêu dùng tại Mỹ.
Trong khi đó, người tiêu dùng có thu nhập thấp đến trung bình đang bị bỏ xa khi chi phí sinh hoạt tăng. Trích dẫn dữ liệu bán lẻ quốc gia, ông cho biết 20% người tiêu dùng có thu nhập thấp nhất chỉ đóng góp 10% tổng chi tiêu của nền kinh tế.
Trong 1 cuộc phỏng vấn với CNBC vào tuần trước, Boss cho biết: “Tôi nhận thấy đang có một cuộc suy thoái có chọn lọc”.
Những người Mỹ giàu có nhất đã chứng kiến khối tài sản tăng mạnh trong 4 năm qua. Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, 10% hộ gia đình có thu nhập cao nhất đã kiếm được số tiền khổng lồ 30,5 nghìn tỷ USD kể từ năm 2022, trong khi nhóm nửa dưới có mức thu nhập thấp nhất chỉ kiếm được 1,8 nghìn tỷ USD tài sản .
Sự chênh lệch lớn này có thể là do 10% người Mỹ giàu nhất chiếm phần lớn quyền sở hữu cổ phiếu của gia đình, trong khi các hộ gia đình có thu nhập thấp thường bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi lạm phát. Theo một báo cáo, 65% hộ gia đình có thu nhập dưới 25.000 USD (630 triệu VND) một năm cảm thấy áp lực lạm phát lớn. Tỷ lệ này cao hơn khoảng 23 điểm phần trăm so với các hộ gia đình có thu nhập từ 75.000-100.000 USD.
Người tiêu dùng có thu nhập trung bình cũng cho biết họ bị ảnh hưởng giá cả tăng trong vài năm qua. Theo một cuộc khảo sát quý 2 do Primerica thực hiện, chưa đến một nửa số hộ gia đình có thu nhập trung bình đánh giá tình hình tài chính của họ ở mức “tốt” và 68% đánh giá khả năng tiết kiệm của họ là “không tốt lắm” hoặc “kém”.
Các chuyên gia khác cũng đã cảnh báo về một cuộc suy thoái châm ngòi bởi người tiêu dùng khi người Mỹ cắt giảm chi tiêu. Theo nhà kinh tế hàng đầu David Rosenberg, doanh số bán lẻ thực tế trong quý 1 đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái – một dấu hiệu cho thấy suy thoái tiêu dùng có thể đã đến.
Theo BI