Có một vị khách lạ đã đến thăm trụ sở của Tập đoàn ô tô Hyundai ở phía nam Seoul vào tháng sáu. Đó là Oh Eun-young, bác sĩ tâm thần nổi tiếng nhất Hàn Quốc, người thường xuyên xuất hiện trên truyền hình. Ông Oh được Hyundai mời đến nói chuyện với nhân viên của họ tại một sự kiện trò chuyện của công ty.
Gần cuối buổi, Chủ tịch Hyundai Chung Euisun đặt câu hỏi: "Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện giao tiếp tại nơi làm việc, nơi các mối quan hệ đôi khi bình đẳng và đôi khi có thứ bậc?".
Bác sĩ Oh khuyên vị chủ tịch nên có cách tiếp cận nhẹ nhàng. "Chủ tịch nên ăn nói nhỏ nhẹ khi phản đối ý kiến của người khác. Và điều quan trọng là đừng vượt quá giới hạn".
Nhưng Chủ tịch Chung hầu như không cần lời khuyên như vậy. Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo tập đoàn vào tháng 10/2020, nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba của đế chế Hyundai đã âm thầm theo đuổi sự thay đổi sâu rộng, hiện đại hóa các hoạt động và chuẩn bị cho bước chuyển đổi lớn sang xe điện và xe chạy pin nhiên liệu hydro.
Ông cũng thành lập một mảng kinh doanh vận tải đường không ở khu vực đô thị (Urban Air Mobility - UAM) và mua một công ty chế tạo robot nổi tiếng của Mỹ. Chủ tịch Chung nói rằng Hyundai không chỉ còn là một nhà sản xuất ô tô mà còn là một "nhà cung cấp giải pháp di động".
Sự trỗi dậy của người đàn ông 52 tuổi tượng trưng cho một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của công ty. Hyundai đã đi từ việc trở thành biểu tượng mạnh mẽ cho sự trỗi dậy của ngành công nghiệp Hàn Quốc trở thành công ty đi đầu trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến làm thay đổi ngành công nghiệp ô tô.
Ông Chung tiếp quản “ngai vàng” từ cha mình, Chung Mong-koo, hiện là chủ tịch danh dự của tập đoàn lớn mạnh bao gồm các công ty như nhà sản xuất ô tô Kia, nhà sản xuất phụ tùng ô tô Hyundai Mobis, công ty hậu cần Hyundai Glovis và những công ty khác tham gia sản xuất thép, xây dựng, thiết bị quốc phòng và tài chính. Hyundai Motor và Kia hợp lại tạo thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ năm thế giới.
Trong khi đó, ông Chung Mong-koo – người tiếp quản tập đoàn từ cha mình - Chung Ju-yung, được cho là doanh nhân huyền thoại và nhiều màu sắc nhất của Hàn Quốc. Ông chính là người đã thành lập hãng ô tô vào năm 1967 và hãng đóng tàu Hyundai Heavy Industries vào năm 1972.
Năm nay 84 tuổi, Chung Mong-koo đã giám sát quá trình chuyển đổi chất lượng tại Hyundai và vào năm 2008 đã giới thiệu chiếc Genesis sang trọng, nhận được nhiều lời khen ngợi. Nhưng những thành công của ông Chung đã bị hủy hoại bởi một vụ bê bối tham nhũng dẫn đến việc ông bị kết án về tội biển thủ và bội tín. Cuối cùng ông đã được tổng thống ân xá. Hành vi sai trái như vậy không phải là duy nhất ở Hàn Quốc, nơi những người đứng đầu chaebol, hoặc các tập đoàn do gia đình kiểm soát, thường bị phát hiện là làm trái luật.
Tuy nhiên, Chung đang có dấu hiệu trở thành một kiểu giám đốc chaebol mới. Thông thạo tiếng Anh và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học San Francisco, ông cảm thấy thoải mái không chỉ với công nghệ ảnh hưởng đến ngành mà còn với các xu hướng xã hội đang thay đổi trong một xã hội vẫn còn bảo thủ.
Lee Ji-yun, nữ thành viên hội đồng quản trị đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Hyundai, có thể chứng thực điều đó.
Lee nói với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn qua email: “Từ kinh nghiệm cá nhân của tôi, tôi có thể nói với bạn rằng điểm mạnh của chủ tịch Chung là sự minh bạch và cởi mở. Anh ấy lắng nghe ý kiến đa dạng từ càng nhiều chuyên gia càng tốt, chấp nhận và đưa chúng vào thực tế”.
Lee, một chuyên gia về kỹ thuật hàng không vũ trụ, đang giúp thúc đẩy tham vọng đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh của Hyundai sang lĩnh vực di chuyển trên không tiên tiến, bao gồm phát triển máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL), nhằm giảm tắc nghẽn giao thông ở các trung tâm thành phố.
Chung cũng không gặp rắc rối, không giống như tỷ phú Lee Jae-yong, chủ tịch thế hệ thứ ba, 54 tuổi của gã khổng lồ công nghệ toàn cầu Samsung Electronics. Ông Lee đã ngồi tù 19 tháng vì tội hối lộ trước khi được ân xá.
Chung đã đảm nhận vị trí quản lý điều hành chi nhánh Kia trước khi đảm nhận vai trò điều hành cao nhất tại Hyundai. Trong nhiệm kỳ của mình, Kia đã tuyển dụng nhà thiết kế xe hơi người Đức Peter Schreyer, người từng làm việc cho Audi và Volkswagen. Schreyer được ghi nhận là người đã nâng cao sức hấp dẫn cho các mẫu xe của công ty, bao gồm cả mẫu sedan K5 nổi tiếng.
Giờ đây, dưới sự lãnh đạo của Chung, Hyundai đang phát triển nhanh chóng với việc ra mắt các mẫu xe điện và hydro mới. Đặc biệt, mẫu Ioniq 5 của công ty đã trở nên phổ biến trên toàn cầu nhờ thiết kế và hiệu suất của một mẫu SUV. Hyundai đã bán được khoảng 145.000 xe và gần đây theo sau là mẫu sedan Ioniq 6 cũng đang bán rất chạy.
Hyundai, mặc dù thành công nhưng đã hoạt động dưới cái bóng của gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ô tô là Toyota Motor trong một thời gian dài. Tuy nhiên, hiện họ đã tiến lên trong lĩnh vực xe điện trước đối thủ và đang gặt hái được những thành công ban đầu.
Công ty cho biết doanh số bán xe điện đã tăng 27,1% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, thành công của Hyundai tại thị trường xe điện Mỹ là rất đáng chú ý. Doanh số bán hàng ở đây đã tăng hơn gấp đôi lên 22.418 xe trong ba quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là nhu cầu mạnh mẽ của Ioniq 5.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng thị trường ô tô điện của Mỹ vẫn còn non trẻ, mang đến cho Hyundai - cũng như các đối thủ của họ - không gian lớn để phát triển.
Esther Yim, nhà phân tích cấp cao của Samsung Securities, cho biết trong một báo cáo: “Xét đến những bất ổn về chính trị và kinh tế ở Trung Quốc và châu Âu, một nhà sản xuất ô tô toàn cầu có thể dựa vào thị trường Mỹ, nơi xe điện vẫn chưa nở rộ. Hyundai Motor cần nâng tầm thành một thương hiệu cao cấp. Thị phần của hãng tại thị trường Mỹ và doanh số bán xe điện thành công sẽ là những chỉ số cho điều này”.
Nhưng Hyundai dưới thời Chung không đặt tất cả trứng của mình vào 1 giỏ là xe điện. Họ cũng đang đặt cược vào những chiếc xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro. Nhà sản xuất ô tô này đã phát triển các mẫu xe như Tucsan và Nexo với niềm tin rằng chúng có thể trở thành phương tiện chủ đạo trong tương lai.
"Năng lượng tái tạo có nhiều thách thức khác nhau - bao gồm các giới hạn về nguồn cung và lưu trữ", ông Chung nói trong bài phát biểu quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp B20 ở Bali, Indonesia vào tháng trước. "Hydrogen có thể giải quyết nhiều vấn đề trong số này. Và giờ đây, có sự đồng thuận toàn cầu về tầm quan trọng của hydro như một giải pháp năng lượng vô tận trong tương lai”.
Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng đang ủng hộ động cơ hydro của Hyundai bằng cách thiết lập các trạm sạc và cắt giảm thuế cho chi phí nghiên cứu và phát triển.
Một điểm thuận lợi nữa cho Hyundai là mẫu xe “hái ra tiền” Genesis. Mẫu này được bán lẻ ở mức từ 39.150 USD đến 88.400 USD tại Mỹ, mang lại một sự thúc đẩy lớn cho khả năng sinh lời. Doanh số bán hàng của Genesis tăng 8,7% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm 2021.
Nhưng quá trình chuyển đổi sang thời đại ô tô mới không phải là không có rủi ro và thách thức. Công ty đã dành 1,4 nghìn tỷ won (1,1 tỷ USD) trong quý 3 để chi trả cho việc thu hồi 2,4 triệu mẫu Sonata, Tucson và Santa Fe do động cơ xăng Theta bị lỗi. Việc này đặt ra câu hỏi về cách quản lý chất lượng của công ty. Chi nhánh Kia cũng bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi.
Chính sách của Mỹ cũng đặt ra rủi ro cho Hyundai. Xe điện của họ cho đến nay đã được loại trừ khỏi các khoản giảm thuế tiêu dùng, bởi Hyundai sản xuất tất cả ở nước ngoài. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cố gắng thúc đẩy chuỗi cung ứng pin EV trong nước để thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương.
Người mua một chiếc EV được sản xuất tại Mỹ với các vật liệu được sản xuất trong nước có thể nhận được khoản tín dụng thuế lên tới 7.500 USD từ chính phủ theo Đạo luật Giảm lạm phát được ký thành luật vào tháng 8. Hyundai muốn các phương tiện của mình đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế và hãng đã động thổ xây dựng cơ sở sản xuất xe điện ở Georgia vào tháng 10, đầu tư 5,5 tỷ USD vào nhà máy có thể sản xuất cả pin.
Cổ phiếu của Hyundai cũng hoạt động kém trong năm nay, một phần phản ánh những rủi ro mà hãng này phải đối mặt. Mỗi cổ phiếu bắt đầu giao dịch ở mức 210.500 won vào ngày 3/1, nhưng đã giảm xuống còn 160.500 won vào ngày 26/10 trước khi tăng trở lại 162.000 won vào thứ năm.
Một thách thức khác đối với Chung là củng cố quyền kiểm soát quản lý nhóm, điều này rất khó khăn do đặc điểm sở hữu cổ phần tuần hoàn phức tạp của các tập đoàn Hàn Quốc.
"Hyundai Mobis kiểm soát nhóm có cổ phần chính trong Hyundai Motor – công ty kiểm soát Kia. Chung có cổ phần lớn nhất trong Hyundai Glovis, nhưng điều đó là không đủ để kiểm soát Mobis", Park Sang-in, giáo sư kinh tế tại Trường Hành chính công thuộc Đại học Quốc gia Seoul nhận định.
"Hyundai Motor Group đã cố gắng hợp nhất Mobis và Glovis vài năm trước, nhưng kế hoạch đã buộc phải rút lại do vấp phải sự phản đối của các cổ đông. Đây vẫn là một nhiệm vụ lớn đối với ông Chung".
Nguồn: Nikkei