Áp gói trừng phạt mạnh chưa từng có với Nga, EU 'thẫn thờ' vì để lộ lỗ hổng, nhiều quốc gia thành viên vẫn đưa dầu của Moscow đi khắp thế giới

Diệp Vy | 09:14 24/07/2025

EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 với Nga. Tuy nhiên, quá trình thực thi vẫn có nhiều kẽ hở.

Áp gói trừng phạt mạnh chưa từng có với Nga, EU 'thẫn thờ' vì để lộ lỗ hổng, nhiều quốc gia thành viên vẫn đưa dầu của Moscow đi khắp thế giới

Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga, tập trung mạnh vào lĩnh vực dầu khí - nguồn thu ngân sách chủ chốt của Moscow. Đây được đánh giá là một trong những gói biện pháp cứng rắn nhất kể từ khi cuộc chiến nổ ra, thể hiện quyết tâm của khối trong việc gia tăng áp lực kinh tế lên Điện Kremlin.

Trọng tâm của gói trừng phạt mới là việc hạ giá trần đối với dầu thô Nga xuất khẩu sang các quốc gia thứ 3 từ mức 60 USD xuống còn khoảng 47,60 USD/thùng. Mục tiêu của biện pháp này là làm suy yếu nguồn thu ngoại tệ của Nga, vốn được duy trì nhờ nhu cầu nhập khẩu năng lượng từ các nước không thuộc OECD như Trung Quốc và Ấn Độ.

Dù không phải là một giải pháp tức thời, việc điều chỉnh mức trần này được kỳ vọng sẽ tạo áp lực lớn hơn lên ngân sách của Nga, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu quốc tế hiện cao hơn nhiều so với mức giới hạn mới.

Pháp giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy gói trừng phạt lần này. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot tuyên bố rằng cùng với Mỹ, châu Âu sẽ buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chấp nhận một lệnh ngừng bắn. Tuyên bố này đánh dấu một lập trường cứng rắn hơn từ các quốc gia chủ chốt trong khối.

Tuy nhiên, việc thông qua gói trừng phạt không diễn ra suôn sẻ. Slovakia, quốc gia có chính phủ hiện tại được cho là thân Nga, đã ngăn chặn tiến trình này trong suốt 1 tuần. Bratislava lo ngại rằng việc loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga trong những năm tới sẽ gây ra tác động nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp nặng trong nước, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng giá rẻ.

Cuối cùng, Slovakia đã đồng ý sau khi EU cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính nếu giá khí đốt tăng đột biến khi cắt giảm nguồn cung từ Nga vào cuối năm 2027.

Ngoài việc hạ trần giá dầu, gói trừng phạt còn mở rộng các biện pháp chế tài khác như bổ sung 100 tàu vận chuyển dầu thuộc “đội tàu bóng tối” vào danh sách cấm vận, tăng cường hoạt động kiểm tra tàu tại khu vực biển Baltic và đưa 1 nhà máy lọc dầu tại Ấn Độ cùng 2 ngân hàng Trung Quốc vào danh sách trừng phạt.

Dù vậy, gói trừng phạt mới vẫn có lỗ hổng khi Nga đang tìm cách lách luật với sự hỗ trợ gián tiếp từ một số quốc gia EU.

Theo báo cáo từ công ty phân tích Windward, các tàu do chủ sở hữu Hy Lạp kiểm soát đã vận chuyển tới 7,8 triệu tấn dầu Nga trong tổng số 22,2 triệu tấn được xuất khẩu gần đây. Điều này cho thấy các lệnh trừng phạt hiện tại vẫn còn nhiều kẽ hở, đặc biệt khi phần lớn dầu Nga vẫn được tiêu thụ tại Trung Quốc và Ấn Độ với giá cao hơn mức trần.

Giới phân tích cảnh báo rằng nếu Brussels không thực sự siết chặt việc thực thi và không buộc các quốc gia thành viên như Hy Lạp, Síp, Slovakia hay Hungary tuân thủ đầy đủ, hiệu quả của các gói trừng phạt sẽ bị suy yếu đáng kể.

Việc triển khai tuần tra hải quân, giám sát chặt chẽ các tuyến hàng hải và kiên quyết chặn các lô hàng dầu khí của Nga đi qua vùng biển EU được xem là những biện pháp cần thiết nếu khối muốn tạo ra tác động thực sự.

Tham khảo Oilprice


(0) Bình luận
Áp gói trừng phạt mạnh chưa từng có với Nga, EU 'thẫn thờ' vì để lộ lỗ hổng, nhiều quốc gia thành viên vẫn đưa dầu của Moscow đi khắp thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO