Theo đó, phạm vi nghiên cứu là toàn bộ ranh giới hành chính huyện Bàu Bàng với diện tích 34.002,11 hecta, gồm thị trấn Lai Uyên và 06 xã (Cây Trường II, Hưng Hòa, Lai Hưng, Long Nguyên, Tân Hưng, Trừ Văn Thố); phía Bắc giáp thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; phía Nam giáp thành phố Bến Cát; phía Đông giáp huyện Phú Giáo; phía Tây giáp huyện Dầu Tiếng.
Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040. Quy mô dân số: Đến năm 2030 khoảng 320.000 - 350.000 người; đến năm 2040 khoảng 480.000 - 500.000 người.
Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bàu Bàng đến năm 2040 nhằm cụ thể hóa quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Bàu Bàng và mục tiêu xây dựng các huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có huyện Bàu Bàng với định hướng hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới làm tiền đề phấn đấu các giai đoạn tiếp theo đạt các chỉ tiêu đô thị loại III, trở thành thị xã thuộc tỉnh.
Song song đó, nghiên cứu định hướng phát triển không gian vùng huyện, phân vùng kinh tế, hệ thống điểm dân cư đô thị và nông thôn, bố trí cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của huyện đề ra trong mối quan hệ với Vùng tỉnh và các khu vực xung quanh. Làm cơ sở triển khai các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, xác định các dự án ưu tiên đầu tư, phát triển đô thị quản lý đô thị và các khu vực dân cư nông thôn, khu vực phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch,… và hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành đảm bảo sự phát triển hài hòa, đồng bộ.
Định hướng phát triển huyện Bàu Bàng theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp dịch vụ, trong tương lai trở thành "Trung tâm đổi mới sáng tạo - công nghiệp" phía Bắc của tỉnh Bình Dương.
Bàu Bàng hiện đóng vai trò huyện cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Bình Dương, kết nối với tỉnh Bình Phước và khu vực Tây Nguyên thông qua tuyến Quốc lộ 13; là vùng Kinh tế phía Bắc của tỉnh, có sự tác động tương hỗ và gắn kết với không gian kinh tế của huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo và thành phố Bến Cát; là khu vực phát triển công nghiệp (đa ngành, chế biến nông lâm sản), phát triển khu phức hợp Văn hóa - Thể thao, Y tế, Giáo dục đào tạo cấp vùng, trung tâm dịch vụ - thương mại cấp vùng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử. Đô thị Bàu Bàng đạt tiêu chí đô thị loại III, trở thành thị xã thuộc tỉnh Bình Dương.
Một điểm nhấn về kinh tế huyện Bàu Bàng là thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong 9 tháng năm 2024, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 36 dự án đầu tư đăng ký mới, trong đó đầu tư trong nước có 2 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 43 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài có 34 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 59 triệu USD; có 11 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký tăng thêm vốn là 286,146 triệu USD. Đến nay trên địa bàn huyện có 1.499 dự án đầu tư, trong đó đầu tư trong nước có 1.216 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32.535 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài có 283 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 4,6 tỷ USD.
Với số vốn luỹ kế này, FDI tại địa bàn huyện Bàu Bàng đang cao hơn 39 tỉnh trên cả nước, trong đó có Khánh Hòa (4,437 tỷ USD); Nam Định (4,272 tỷ USD); Thừa Thiên Huế (4,167 tỷ USD); Bình Thuận (3,876 tỷ USD); Cần Thơ (2,219 tỷ USD)...