Hướng đến phát triển bền vững ngành nghề thẩm định giá

Thái Anh | 07:39 12/02/2024

“Ngày 1/7/2024 Luật giá 2023 sẽ có hiệu lực thi hành với yêu cầu cao hơn cho doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá. Kỳ vọng nghề thẩm định giá và thị trường cung ứng dịch vụ thẩm định giá sẽ có bước phát triển mới cả về chất và lượng, trong đó đề cao tính chuyên môn hóa và chịu trách nhiệm…”, ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chia sẻ.

Hướng đến phát triển bền vững ngành nghề thẩm định giá
Ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.

Đề cao tính chuyên môn hóa và chịu trách nhiệm

Theo ông Phạm Văn Bình, các nhóm nội dung chính được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc ban hành mới tại Luật Giá 2023 là: Quy định rõ về phạm vi áp dụng của Luật và các Luật chuyên ngành tạo sự thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật; Tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý giá gắn với quản lý ngành, lĩnh vực; Điều chỉnh các quy định về các biện pháp quản lý, điều tiết giá nhằm đảm bảo triển khai thuận lợi, phù hợp trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay; Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu về giá được tăng cường, nhất là cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan; Nâng cao điều kiện hoạt động, kinh doanh lĩnh vực thẩm định giá gắn với hoàn thiện các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ hướng đến phát triển bền vững ngành nghề thẩm định giá; Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước được xác định rõ phạm vi, gắn với trách nhiệm thực hiện của cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước; Cơ sở pháp lý của công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá được củng cố; Sửa đổi, bãi bỏ nhiều nội dung không còn phù hợp tại 14 Luật có liên quan nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. 

Liên quan đến dịch vụ thẩm định giá, tại Luật Giá 2023 đã củng cố, bổ sung và hoàn thiện nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh và hoạt động hành nghề của thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá. 

Hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện các quy định của pháp luật (1 nghị định, 11 thông tư) để hướng dẫn Luật Giá năm 2023 về thẩm định giá nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động thẩm định giá, đặc biệt là ban hành các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam (thay thế cho Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam) quy định và hướng dẫn đầy đủ về nghiệp vụ đối với dịch vụ thẩm định giá, quy định cụ thể về các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá đối với các loại tài sản như: bất động sản, máy thiết bị, doanh nghiệp, tài sản vô hình… Điều này kỳ vọng nghề thẩm định giá và thị trường cung ứng dịch vụ thẩm định giá sẽ có bước phát triển mới cả về “chất” và “lượng”, trong đó đề cao tính chuyên môn hóa và chịu trách nhiệm.

Thẩm định giá góp phần tích cực trong tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước

Ông Phạm Văn Bình phân tích thêm, dịch vụ thẩm định giá có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường nói chung và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nói riêng ở nước ta hiện nay. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra ngày càng sôi động, nhu cầu thẩm định giá ngày càng gia tăng phục vụ cho các mục đích khác nhau của các chủ thể tham gia thị trường, như mua bán, chuyển nhượng, vay vốn, thế chấp... 

Có thể nói, trong những năm qua, thẩm định giá đã góp phần tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách Nhà nước trong đầu tư, mua sắm tài sản; chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ tài sản, của các nhà đầu tư và của các bên có liên quan tham gia giao dịch; đáp ứng nhu cầu của xã hội khi giá cả các tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế nước ta đã vận hành về cơ bản theo cơ chế giá thị trường. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá đã có những hành vi vi phạm pháp luật làm cho một số người nghi ngờ, giảm sự tin tưởng đối với dịch vụ này trong nền kinh tế thị trường. Do vậy, việc ban hành Luật Giá 2023 với những quy định rõ hơn về điều nghiêm cấm đối với thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá, khách hàng và các đối tượng liên quan khác trong hoạt động thẩm định giá, cũng như về trách nhiệm công khai thông tin của thẩm định viên và doanh nghiệp thẩm định giá; củng cố quy định về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có biến động về thẩm định viên về giá ảnh hưởng đến điều kiện hoạt động, cũng như làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ mà nhất là nghĩa vụ của thẩm định viên và doanh nghiệp thẩm định giá trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá... đã góp phần tạo ra sự minh bạch, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến dịch vụ thẩm định giá, từ đó tạo sự tin tưởng và khuyến khích xã hội trong việc sử dụng dịch vụ này.

Việc xác định thẻ thẩm định viên là chứng nhận chuyên môn trong lĩnh vực thẩm định giá và quy định người tham dự kỳ thi cấp thẻ thẩm định viên về giá có bằng đại học trở lên, không phân biệt chuyên ngành đào tạo và được tham gia dự thi ngay sẽ góp phần tạo ra một đội ngũ trợ lý thẩm định viên về giá, giúp những người này được rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trước khi trở thành thẩm định viên về giá.

 Thẻ thẩm định viên về giá được chuyên môn hóa theo 2 lĩnh vực gồm: thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp; điều này góp phần tiết kiệm nguồn lực xã hội trong học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá và đặc biệt là hướng đến xây dựng đội ngũ thẩm định viên về giá chuyên sâu theo từng lĩnh vực.

Luật Giá 2023 bổ sung điều kiện nhằm củng cố hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá như quy định điều kiện về số lượng thẩm định viên tại doanh nghiệp thẩm định giá từ 3 lên có ít nhất 5 thẻ thẩm định viên về giá; đồng thời, chi nhánh phải có ít nhất 3 thẻ thẩm định viên về giá độc lập với doanh nghiệp và các chi nhánh khác. Việc này sẽ giúp cho doanh nghiệp và chi nhánh có nhân lực để thực hiện tốt các khâu công việc trong quá trình cung cấp dịch vụ thẩm định giá, từ việc tổ chức trực tiếp hoạt động thẩm định giá cho đến việc giám sát, kiểm soát chất lượng hoạt động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá theo quy luật “lượng” đổi “chất” đổi.

Đồng thời, đối với quy định tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn, cổ đông là thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp cổ phần và TNHH 2 thành viên trở lên phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền chi phối của thẩm định viên đối với hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá, tránh bị nhóm cổ đông không nắm giữ chuyên môn nhưng lại khống chế và chi phối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn. Từ đó, góp phần tạo sự độc lập, khách quan trong hoạt động thẩm định giá.

Cũng theo lời ông Phạm Văn Bình, Luật Giá 2023 cũng làm rõ hơn bản chất của hoạt động thẩm định giá là hoạt động tư vấn xác định giá trị của tài sản thẩm định giá và cơ chế trong việc sử dụng kết quả thẩm định giá. Làm rõ thẩm định viên chịu trách nhiệm về chuyên môn trong quá trình thực hiện và bảo đảm báo cáo thẩm định giá tuân thủ các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, cũng như bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan, chính xác trong quá trình thẩm định giá tài sản. Doanh nghiệp thẩm định giá có nghĩa vụ xây dựng, tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng báo cáo thẩm định giá để phát hành và cung cấp chứng thư thẩm định giá cho khách hàng thẩm định giá. Bố trí thẩm định viên về giá, người có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện thẩm định giá theo hợp đồng đã ký kết… và trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động thẩm định giá.

 Ngoài ra, tại Luật Giá 2023 đã bổ sung 1 Chương quy định về công tác thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá. Để tạo điều kiện cho các bên và làm rõ cơ chế giải quyết tranh chấp, tại Luật Giá 2023 quy định một điều về giải quyết tranh chấp để dẫn chiếu quy định hiện hành nhằm triển khai thực hiện thuận lợi khi có phát sinh… Những quy định này góp phần phân định rõ trách nhiệm của các bên khi tham gia vào hoạt động thẩm định giá theo từng khâu và công đoạn thực hiện, cũng như tạo sự minh bạch trong xử lý sai phạm hoặc tranh chấp nếu có.


(0) Bình luận
Hướng đến phát triển bền vững ngành nghề thẩm định giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO