HSBC: ngành dịch vụ được kỳ vọng hỗ trợ mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2023

Lê Hà | 07:54 06/05/2023

Ngày 5/5, HSBC đã công bố báo cáo “Dữ liệu Việt Nam tháng Tư - Kiên trì bám trụ" với các thông tin đánh giá và nhận định về tình hình thực tế của nền kinh tế trong nước tháng 4 vừa qua.

HSBC: ngành dịch vụ được kỳ vọng hỗ trợ mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2023
Ảnh minh họa - Int

Bước vào quý 2/2023, dữ liệu trong báo cáo cho thấy thương mại vẫn trên đà suy yếu, xuất khẩu các nhóm ngành nghề chính, bao gồm điện tử, dệt may và nội thất, đều giảm ở mức hai con số.

xk.png

Cụ thể, xuất khẩu tháng 4 giảm 11,2% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu giảm tới 13% so với cùng kỳ. Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại một tỷ USD. Đồng thời, chỉ số sản xuất công nghiệp (Industrial production – IP) cũng phản ánh tình trạng tương tự, với IP sản xuất sụt giảm 14% so với cùng kỳ.

Ở hướng ngược lại, doanh số bán lẻ tăng 11,5% so với cùng kỳ trong tháng 4, phản ánh động lực trong tiêu dùng trong nước. Các dịch vụ liên quan du lịch (ví dụ như lưu trú và ‘ăn uống’) tiếp tục đà tăng trưởng nhờ sự phục hồi du lịch vẫn đang tiếp diễn.

du-lich.png

Theo đó, du lịch quốc tế hồi phục vẫn là điểm sáng nhờ khách du lịch Trung Quốc trở lại, nhưng tốc độ phục hồi vẫn còn chậm. Việt Nam đón khoảng 984 nghìn khách du lịch quốc tế, cho thấy đà cải thiện đang tiếp diễn, đưa tốc độ phục hồi du lịch lên 62% so với mức năm 2019.

Lạm phát trong tháng 4 giảm ở mức dưới 3% so với cùng kỳ, nhờ lạm phát lương thực giảm và giá năng lượng hạ nhiệt. Áp lực về giá tiếp tục giảm bớt, với lạm phát toàn phần tháng 4 giảm 0,3% so với tháng trước. Điều này giúp chỉ số lạm phát ở mức 2,8% so với cùng kỳ, nhờ lạm phát lương thực giảm và chi phí năng lượng hạ nhiệt.

lam-phat.png

Nhìn vào những yếu tố tác động lên dữ liệu kinh tế, HSBC cho biết sau kết quả GDP quý 1/2023 không mấy khả quan, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. “Chúng ta chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm trên mặt trận thương mại”.

Là một quốc gia chịu tác động từ chu kỳ thương mại toàn cầu, những khó khăn ngoại cảnh đã giảm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Sau khi giảm 12% so với cùng kỳ trong quý 1/2023, xuất khẩu tiếp tục mức giảm với chỉ số tháng Tư thấp hơn 11,7% so với cùng kỳ. Khó khăn này diễn ra trên diện rộng, với các ngành xuất khẩu chính như dệt may / giày dép, điện thoại thông minh và đồ nội thất gỗ đều sụt giảm đáng kể.

Tuy vậy, điểm sáng duy nhất trong dữ liệu tháng 4 là các sản phẩm máy tính, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tình hình này là một bất ngờ phát sinh do hiệu ứng cơ sở, chứ không phải do chu kỳ công nghệ chạm đáy. Trong khi các chỉ số chính như PMI cho thấy các dấu hiệu ổn định đầu tiên, sẽ mất một thời gian cho tới khi chu kỳ điện tử toàn cầu hồi phục.

“Việt Nam không đơn độc trong hoàn cảnh này: các khu vực như Đài Loan và Hàn Quốc cũng tiếp tục gặp khó trong tình trạng ảm đạm hiện nay của ngành điện tử.” – HSBC bày tỏ.

Mặt khác, báo cho thấy dù thương mại hàng hóa vẫn còn khó khăn, ngành dịch vụ tiếp tục đóng góp sự hỗ trợ cần thiết. Gần 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng Tư, chủ yếu là nhờ lượng khách Trung Quốc tăng 70% so với tháng trước. Sự phục hồi tích cực này là nhờ những hạn chế bay được dỡ bỏ, và Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách các điểm đến tổ chức du lịch theo đoàn từ giữa tháng Ba.

Tuy nhiên, khách du lịch Trung Quốc, vốn chiếm tới 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ trước Covid, vẫn đang phục hồi với tốc độ còn chậm, mức độ phục hồi chỉ đạt 25% lượng khách cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, một nguồn khách du lịch lớn khác là Hàn Quốc, đã hồi phục đến 77%.

Ngành du lịch có hỗ trợ một phần, nhưng sự hồi phục của ngành vẫn còn chậm, và chưa đủ để bù đắp những thách thức trong năm nay. Hiện tại, trở ngại tăng trưởng vẫn hiện diện thông qua sự tăng trưởng tín dụng cực kỳ chậm chạp.

Bên cạnh đó, báo cáo cho thấy ạm phát đã tốt hơn, giúp các nhà hoạch định chính sách dễ thở hơn. Cụ thể, lạm phát toàn phần giảm 0,3% so với tháng trước, giúp lạm phát cùng kỳ năm dưới mức 3%, thấp hơn nhiều so với trần lạm phát 4,5% của NHNN.

Theo HSBC, ý do đầu tiên lạm phát thực phẩm tiếp tục giảm là nhờ giá thịt heo giảm 1,6% so với tháng trước. Trong khi đó, giá năng lượng lại cho thấy những xu hướng trái chiều. Chi phí vận tải tăng nhẹ do giá dầu cao, các loại lạm phát năng lượng khác, như điện và gas, lại giảm. “Do đó, vẫn cần thận trọng với lạm phát phía nhóm cung. Sau cùng, quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC và tăng giá điện của EVN vẫn chưa cho thấy tác động cụ thể.’

HSBC đánh giá: “Nhìn chung, Việt Nam tiếp tục đối mặt với các thách thức trong quý 2/2023 sau những kết quả kinh tế của quý 1 không mấy khả quan. Dù khả năng tăng trưởng suy giảm trong nửa đầu năm 2023, chúng tôi vẫn kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và làn sóng thương mại sẽ chuyển hướng trong nửa cuối năm, đưa tăng trưởng cả năm 2023 đạt mức 5,2%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
HSBC: ngành dịch vụ được kỳ vọng hỗ trợ mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO