Cụ thể, bình luận với MarketTimes, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HOREA) cho rằng việc quy định Nhà nước thu hồi đất đối với “dự án nhà ở thương mại” tại điểm a khoản 3 Điều 86 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dễ gây “phản cảm, hiểu lầm” trong xã hội do lo ngại “ẩn khuất lợi ích nhóm” làm thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai.
Do đó, theo ông Châu, các cơ quan chức năng nên xem xét bỏ điểm a khoản 3, Điều 86, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng không quy định Nhà nước thu hồi đất “a) Dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở”.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Châu, bản thân quy định của điều 86, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về “Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” cũng cần được Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc thêm về mặt nội hàm do trong các quy định hiện hành không có khái niệm về loại “dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Theo đó, hiện nay, khái niệm về các loại dự án được đề cập tại một điều khoản của các Luật liên quan gồm.
Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định như sau: “4. Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định”.
Khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 giải thích: “9. Dự án PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công…”.
Khoản 13 Điều 4 Luật Đầu tư công 2014 giải thích: “13. Dự án đầu tư công là dự án đầu tư sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công”.
Tuy nhiên, để được công nhận “dự án đầu tư”, “dự án PPP” thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, về đầu tư PPP (Khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 giải thích “8. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tổng hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để xây dựng mới nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở trên một địa điểm nhất định”. Quy định này phù hợp với khoản 2 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 và khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư 2020.
Từ sự thiếu tập trung nói trên, Chủ tịch HOREA cho rằng, nếu quy định như trong Dự thảo hiện nay khi sử dụng từ “dự án” trong khái niệm “dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” có thể sẽ gây khó khăn trong “thực thi” Luật Đất đai (mới) sau khi được thông qua.
Có thể thấy, trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, thu hồi đất là một trong những vấn đề nóng, thu hút được quan tâm đặc biệt của người dân và cả giới chuyên gia và nghị trường Quốc hội.
Theo đó, tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trong nội dung Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đã khẳng định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86), Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; rà soát các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 86, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18 và Hiến pháp, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.