Trên 50.000 lon Bò húc mang nhãn hiệu Redblue có dấu hiệu làm “nhái” thương hiệu Redbull - nhãn hiệu nước tăng lực đã được bảo hộ của Tập đoàn TCP (Thái Lan) bị phát hiện qua phản ánh của Công ty luật TNHH IP MAX – Đại diện Sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu Redbull tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 03/12/2024, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất điểm kinh doanh đồ uống trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã phát hiện 3.000 lon nước uống tăng lực loại này đang được tiêu thụ. Số sản phẩm này do Công ty cổ phần chế biến thực phẩm và nước giải khát V.M, do ông H.T.Đ. làm Giám đốc sản xuất tại cơ cơ sở ở Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nói trên.
Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh và các lực lượng chức năng địa phương tiến hành kiểm tra đối với đơn vị này và ghi nhận: 2.100 thùng nước tăng lực, tương đương với 50.400 lon sản phẩm mang nhãn hiệu RedBlue đang chuẩn bị đưa ra tiêu thụ cùng gần 114.000 vỏ lon nước uống tăng lực RedBlue, trên 37.000 vỏ lon nước uống tăng lực mang nhãn hiệu RedBest chưa qua sử dụng.
Kết luận bước đầu, toàn bộ số hàng hóa phát hiện tại Chi nhánh Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm và Nước giải khát V.M có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm bản quyền với nhãn hiệu đã được Redbull đã được đăng ký bảo hộ. Đoàn đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa này để tiếp tục xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm.
Dịp cuối năm, lực lượng Quản lý thị trường cả nước tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ chất cấm, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ,... chú trọng các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Để chủ động kiểm soát tình hình thị trường, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 12 ngày 20/10/2024 yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng… Bên cạnh đó, ông đưa ra một số khuyến cáo đến người tiêu dùng như: Nên mua những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng hay có nguồn gốc xuất xứ. Không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm nhãn hiệu nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng việt, không có đơn vị chịu trách nhiệm hàng hóa… Có thể các sản phẩm đó chưa được cấp phép sử dụng tại Việt Nam gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Trong trường hợp mua ở trên sàn thương mại điện tử cần tránh những gian hàng không rõ nguồn gốc, không được phép kinh doanh về sản phẩm.
Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 79 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) quy định, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu. Trong đó, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.