Hơn 3 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19

Lê Khanh | 15:56 24/11/2021

"Số dư nợ đã được cơ cấu chỉ mới đạt khoảng 10% trong tổng hơn 3 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19” ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ.

Hơn 3 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19
Các tổ chức tín dụng được phép bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay, bên bảo đảm.

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14”.

Trên 600.000 tỉ đồng được cơ cấu nợ

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khả năng nợ xấu tại các ngân hàng sẽ tăng cao. Tính đến thời điểm này đã có trên 600.000 tỉ đồng được cơ cấu nợ. Thế nhưng đây mới chỉ là số liệu ban đầu, còn từ nay đến cuối năm hoặc sang năm 2022 thì số liệu này sẽ lớn hơn rất nhiều.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, hiện dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã lên tới hơn 3 triệu tỉ đồng, cho nên số dư nợ đã được cơ cấu chỉ mới đạt khoảng 10% trong tổng số dư nợ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, để doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh, các ngân hàng vẫn phải xem xét tiếp tục cho vay mới trên nền tảng của khoản nợ đã được cơ cấu, về bản chất đây đã là món nợ xấu và điều này thực sự gây khó khăn đối với các ngân hàng.

Ông Vũ Minh Phương, Phó trưởng Phòng công nợ Vietcombank chia sẻ, Vietcombank đặt ra nguyên tắc là ưu tiên các giải pháp cơ cấu nợ, giảm miễn lãi để chia sẻ với khó khăn của khách hàng, trong trường hợp khách hàng không có nguồn trả nợ thì ưu tiên phương án thoả thuận xử lý tài sản bảo đảm.

Thái độ của khách hàng trong việc xử lý nợ xấu đã có chuyển biến

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trước kia việc xử lý nợ rất khó khăn, nhưng từ khi có Nghị quyết 42 thái độ của khách hàng trong việc phối hợp xử lý nợ xấu đã có chuyển biến, nhiều khách hàng trước đây chây ì, thiếu thiện chí trong việc bàn giao tài sản, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý, thì sau đó đã hợp tác với các tổ chức tín dụng, bàn giao tài sản để các tổ chức tín dụng xử lý phát mại và thu hồi nợ.

Ông Vũ Minh Phương, Phó trưởng Phòng công nợ Vietcombank nhận xét, Nghị quyết 42 ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Do đó, những khách hàng không thiện trí hợp tác, chây ì, chúng tôi sẽ thu giữ tài sản theo nghị quyết 42 hoặc khởi kiện ra toà và đề nghị cơ quan thi hành án xử lý tài sản.

Nghị quyết 42 cho các tổ chức tín dụng được phép chủ động quyết định biện pháp xử lý khoản nợ là bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay, bên bảo đảm.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, bên cạnh đó việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Cụ thể như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, thủ tục thay đổi đăng ký giao dịch bảo đảm khi mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất…

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến tăng nợ xấu, làm chậm tiến độ xử lý và giảm hiệu quả thu hồi nợ. Cùng với đó là việc văn bản quy định pháp luật chưa hoàn thiện, nhiều văn bản chưa rõ ràng, chưa hỗ trợ việc xử lý, thu hồi nợ. Trong khi đó, thị trường hoạt động mua, bán nợ vận hành chưa hiệu quả.

Do đó, trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.


(0) Bình luận
Hơn 3 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO