Theo đó, Chính phủ đề xuất đơn giản hóa nhiều thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Cụ thể, với dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được phép giao chủ đầu tư mà không cần đấu thầu.
Các tiêu chí ưu tiên lựa chọn chủ đầu tư gồm: có chức năng kinh doanh bất động sản; đảm bảo về dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu; có đủ vốn chủ sở hữu theo quy định; đồng thời có kinh nghiệm và năng lực tài chính phù hợp. Ngoài ra, dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn nhiều thủ tục như lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; không phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật.
Việc thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện lồng ghép trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Trường hợp công trình nhà ở xã hội thuộc dự án được đề xuất áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố thì được miễn giấy phép xây dựng. Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Theo quy định hiện hành, người được hưởng chính sách nhà ở xã hội phải chưa sở hữu nhà ở tại tỉnh, thành phố nơi có dự án; chưa từng mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào. Trường hợp đã có nhà, diện tích bình quân đầu người phải thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.
Tuy nhiên quy định này bộc lộ nhiều bất cập. Tại các địa phương có địa giới hành chính rộng, nhiều người lao động có nhà ở tại vùng nông thôn nhưng làm việc tại đô thị, khu công nghiệp cách xa. Họ có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống, nhưng không đáp ứng điều kiện do đã sở hữu nhà ở trong tỉnh.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng khiến việc xác định đối tượng hưởng chính sách thêm phức tạp. Trước khi sáp nhập, một số người đủ điều kiện do không có nhà ở tại nơi có dự án; nhưng sau sáp nhập, họ lại không còn đủ điều kiện theo phạm vi hành chính mới.
Trước thực tế này, Chính phủ đề xuất tại các tỉnh, thành được sắp xếp lại, việc xác định điều kiện hưởng chính sách nên căn cứ theo địa giới hành chính trước thời điểm sắp xếp. Đồng thời, với người lao động có nhà ở nhưng làm việc xa nơi ở, chỉ cần chưa từng mua, thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hỗ trợ nhà ở là đủ điều kiện. Trong trường hợp đã có nhà, khoảng cách từ nhà ở đến nơi làm việc phải tối thiểu 30 km.
Đề xuất giảm 70% thời gian làm thủ tục xây nhà ở xã hội
Liên quan đến công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 25/4/2025 về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất giảm 70% thời gian làm thủ tục xây nhà ở xã hội.
Với các dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công, Chính phủ kiến nghị UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao thẳng chủ đầu tư mà không cần thông qua hình thức đấu thầu. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng 200 ngày so với quy định hiện hành.
Điều kiện để nhà đầu tư được xem xét giao dự án bao gồm: là doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản; đáp ứng tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu; có vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư với dự án dưới 20 ha và 15% với dự án từ 20 ha trở lên. Trường hợp thực hiện nhiều dự án, doanh nghiệp phải bảo đảm đủ vốn chủ sở hữu để phân bổ đúng tỷ lệ.
Nếu có nhiều nhà đầu tư đủ điều kiện, việc lựa chọn sẽ căn cứ vào kinh nghiệm thực hiện dự án, năng lực tài chính và thời điểm nộp hồ sơ.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh lý giải đề xuất bỏ đấu thầu là do Nhà nước quản lý chặt chẽ về lợi nhuận định mức, giá thành, giá bán và diện mua nhà. Do đó, đấu thầu không mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà chỉ làm chậm tiến độ. Theo quy định hiện hành, thời gian từ bước chấp thuận chủ trương đầu tư đến lựa chọn nhà đầu tư mất khoảng 300 ngày.
"Với đề xuất mới, thời gian này chỉ còn tối đa 75 ngày, giảm khoảng 70%", ông Sinh nói.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản nhất trí với việc cắt giảm thủ tục nhưng đề nghị Chính phủ bổ sung cơ chế giám sát, kiểm soát hiệu quả để phòng chống tiêu cực, lãng phí. Ủy ban cũng yêu cầu làm rõ hơn các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư khi có nhiều nhà đầu tư cùng đăng ký.
Ngoài chính sách trên, dự thảo nghị quyết còn điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng khác như: quy định chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 13% tổng chi phí đầu tư; đề xuất thành lập "Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia"; miễn thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội.
Chính phủ cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động và bổ sung các chính sách hỗ trợ về quỹ đất, giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật.