Ngành xe toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang trải qua một cuộc chuyển đổi quan trọng. Trước tình thế biến đổi khí hậu ngày một trầm trọng hơn, sử dụng các loại phương tiện phát thải ít là một trong các giải pháp thân thiện với môi trường.
Mới đây, một khảo sát tại thực hiện tại thị trường Việt Nam đã cho thấy nhiều câu chuyện từ phía người tiêu dùng mà các nhà lập pháp và các nhà sản xuất có thể tham khảo.
Cụ thể, công ty kiểm toán KPMG và Chợ Tốt Xe đã thực hiện khảo sát về xu hướng tiêu dùng xe điện (bao gồm cả ô tô và xe hai bánh) tại Việt Nam. Khảo sát đã cho thấy những điều mà khách hàng mong muốn và lo ngại khi đứng trước lựa chọn mua xe điện; đồng thời, khảo sát cũng giúp các nhà phân phối nắm bắt tâm lý khách hàng trong việc chờ nhận xe và kênh thông tin muốn nhận.
Trạm sạc đóng vai trò tối quan trọng
Một trong những điều đáng chú ý của khảo sát là giúp người tiêu dùng bày tỏ những nguyện vọng và lo lắng về xe điện. Hiểu được những vấn đề này, các nhà lập pháp có thể có định hướng tốt hơn thúc đẩy xanh hóa giao thông, các nhà sản xuất cũng có thể tham khảo để có hướng phát triển phù hợp với thị trường.
Một trong những kết luận được đưa ra của khảo sát là độ phủ của trạm sạc là yếu tố tối quan trọng với người tiêu dùng Việt.
Tại câu hỏi "Các yếu tố dưới đây tác động thế nào đến quyết định mua xe điện?", người tiêu dùng Việt đã đánh giá yếu tố "Độ phổ biến của trạm sạc" có điểm cao nhất, với 4,04 điểm.
Sau yếu tố về trạm sạc, người tiêu dùng cũng lựa chọn "Phí sạc rẻ hơn tiền đổ xăng dầu" (3,99 điểm), cũng như "Mạng lưới bảo dưỡng, sửa chữa xe và độ sẵn có của phụ tùng" (3,95 điểm).
Với câu hỏi "Đâu là những yếu tố tác động đến quyết định không mua xe điện?", người được hỏi sẽ chọn ra 3 đáp án phù hợp nhất. Kết quả khảo sát cho thấy yếu tố tác động lớp nhất là "Trạm sạc không phủ đủ rộng" với 18%. Theo sau đáp án đó, các yếu tố như "Quãng đường mỗi lần sạc hạn chế" và "Thời gian chờ sạc dài" đều là các vấn đề mà người dùng lo ngại, chiếm 17%.
Trong khi đó, "Hoài nghi về tác động của xe điện với môi trường" là yếu tố ít quan trọng nhất, chỉ được 4% người khảo sát chọn. Các yếu tố cũng không có nhiều tác động khác có thể kể tới như "Trải nghiệm khi sở hữu xe (như dịch vụ hậu mãi) hay "Chi phí để sở hữu cao hoặc khó cộng tổng" cũng ít được quan tâm (cùng chiếm 5%).
Bán xe điện nhưng không xây trạm sạc
Với kết quả này, khảo sát đưa ra kết luận: "Xe điện đã thu hút nhiều quan tâm, nhưng để thu hút cả với những người không có ý định mua thì cần cải thiện quãng đường di chuyển tối đa và công nghệ".
Qua khảo sát này, có thể thấy rằng hệ thống trạm sạc đang là yếu tố quan trọng hàng đầu trong quan niệm của người tiêu dùng Việt Nam. Kết quả này của khảo sát có thể mang tính tham khảo để có chính sách khuyến khích phù hợp, đồng thời giúp các hãng xe kinh doanh tại Việt Nam xác định phương hướng hoạt động tương thích.
Tuy nhiên tại Việt Nam, các hãng xe dường như chưa quá mặn mà với việc xây trạm sạc riêng. BYD là thương hiệu xe từ Trung Quốc đang bán nhiều mẫu xe điện tại Việt Nam; hãng xe này đã thông báo rằng sẽ không đầu tư làm trạm sạc, nhưng sẽ có các giải pháp thay thế. Tương tự, Wuling cũng đã từng đăng một bài viết trên mạng xã hội nói rằng đã phủ trạm sạc khắp Việt Nam khi xe của hãng có thể tận dụng nguồn điện dân dụng tại 25 triệu hộ gia đình.
Với câu "Tôi sẽ cân nhắc mua xe điện khi công nghệ cải tiến hơn", 45% người được hỏi đồng ý.
Trong khi đó, có lẽ cũng bởi xe điện là một sản phẩm mới nên với câu "Nhiều người xung quanh tôi ủng hộ xe điện nhưng có rất ít người trong đó thực sự đang sở hữu xe điện", 51% người được hỏi đã đồng ý, chỉ có 35% đồng ý bán phần và 13% phản đối.
Về khảo sát, KPMG và Chợ Tốt Xe thực hiện với 1.106 người đến từ nhiều tỉnh thành, 73% trong số đó thuộc nhóm trẻ và trung niên (từ 25 đến 44 tuổi). Phần đông người được hỏi (43%) có thu nhập hàng tháng dưới 20 triệu đồng; nhóm có thu nhập từ 40 triệu đồng mỗi tháng trở lên chiếm tổng cộng 26,9%, gồm 11,3% có thu nhập từ 40 đến 60 triệu đồng, và 15,6% có thu nhập trên 60 triệu đồng hàng tháng.
Khảo sát này được thực hiện với 50% người đang sinh sống tại TP.HCM - chiếm đa số, theo sau là Hà Nội với 18%, và Đà Nẵng chiếm - 4%; 70% người được hỏi là nam giới; và có tới 57% là lao động trí óc.