Hội Thẩm định giá Việt Nam: Ba thành công vượt trội trong năm 2021

PV | 11:17 11/12/2021

Ngày 11/12, tại Vĩnh Phúc, Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam lần thứ 5, nhiệm kỳ III (2018-2022).

Hội Thẩm định giá Việt Nam: Ba thành công vượt trội trong năm 2021
Hội nghị Ban Chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam lần thứ 5, nhiệm kỳ III (2018-2022).

Trình bày Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch VVA cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, do dịch bệnh Covid -19 ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động bất lợi tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có hoạt động của Hội và ngành nghề thẩm định giá.

Nhưng nhờ chủ động có những biện pháp khắc phục khó khăn phát huy những thuận lợi, đoàn kết, bám sát phương hướng nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội III đề ra và được cụ thể hóa bằng phương hướng hoạt động đột phá, đổi mới của năm 2021, toàn Hội đã phấn đấu đạt được nhiều kết quả trong triển khai tổ chức hoạt động.

Hoàn thành cơ bản mục tiêu năm 2021

Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thoả chia sẻ, Hội đã cơ bản hoàn thành tất cả các mục tiêu mà Nghị quyết của Ban Chấp hành đã đề ra cho năm 2021, trong đó thành công vượt trội ở 3 lĩnh vực.

Thứ nhất là tham mưu, góp ý, phản biện, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giá trên một số lĩnh vực. Gắn kết với các hội viên, tham gia tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của các hội viên bằng các hình thức thích hợp, phù hợp với quy định của pháp luật. Thứ hai là công tác đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho học viên trong cả nước có nhu cầu và đào tạo cập nhật kiến thức hàng năm cho các thẩm định viên về giá. Thứ ba là về công tác thông tin, tuyên truyền về giá và thẩm định giá. Đặc biệt là việc cho ra mắt và tổ chức hoạt động của Tạp chí điện tử Nhịp sống Thị trường/Markettimes- cơ quan ngôn luận của Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Cụ thể, Hội đã tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, thẩm định giá như góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo đề nghị của Bộ Công Thương và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 của Bộ Tài chính; Góp ý Dự thảo “Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 của Bộ Tài chính.

Hội cũng kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; Phản ánh với Cục Quản lý giá về các khó khăn vướng mắc trong việc tuân thủ các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; Thực hiện công tác phản biện các cơ chế chính sách, đề tài về giá như: “Đạo đức hành nghề trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá: Thực trạng và giải pháp”. Hoàn thiện quản lý Nhà nước về thẩm định giá.

Thời gian qua VVA còn chú trọng phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá hội viên. Tham gia thành viên của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp hội thẩm định giá ASEAN (AVA), tham gia thành viên hội đồng và Ủy ban Quốc gia của AVA Việt Nam.

Về công tác đào tạo, mặc dù bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 nhưng nhờ chủ động, đổi mới công tác chiêu sinh nên năm 2021 VVA đã tổ chức được 22 khóa cho tất cả các loại hình đào tạo, cụ thể: Tổ chức thành công 16 lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá cho khoảng 983 học viên, tăng 92,4% so với năm 2020. Đào tạo và cấp chứng chỉ cho 462 cán bộ, nhận viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) và 67 học viên là cán bộ xã của huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương…

Hội cũng tổ chức thành công 6 khóa học cập nhật kiến thức bắt buộc hàng năm theo quy định của pháp luật cho 912 thẩm định viên về giá trong cả nước (bình quân 1 lớp là 114 học viên.

Về chất lượng đào tạo, báo cáo của VVA cho biết, đối với khóa học đào tạo cấp chứng chỉ điểm tốt đạt 88,1%, khá 9,0% (tính điểm là 100%); Đối với khóa học cập nhật kiến thức điểm tốt đạt 88,2%, khá 10,7%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội năm 2021 cũng có một số tồn tại như hoạt động cung ứng dịch vụ của một số hội viên đã có những sai phạm bị các cơ quan pháp luật khởi tố…

Phương hướng nhiệm vụ năm 2022

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thoả cho biết, năm 2022 sẽ tiến hành tổ chức Đại hội của Hội theo quy định của Điều lệ Hội nhiệm kỳ 2022-2027.

Trong bối cảnh những khó khăn khách quan của năm 2021 vẫn hiện hữu trong năm 2022 chưa khắc phục được, VVA vẫn kiên trì phương hướng hoạt động như tiếp tục chủ động và tích cực trong tư vấn phản biện chính sách; tham gia, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về thẩm định giá nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về thẩm định giá gồm các nội dung liên quan đến hoàn thiện quản lý Nhà nước về thẩm định giá, các Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam; kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá…

Hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tập hợp những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá để cung cấp theo hướng “cảnh báo” những rủi ro nghề nghiệp cho các hội viên tìm các giải pháp chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá và kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật về thẩm định giá.

Về công tác đào tạo, Hội kiến nghị Bộ Tài chính về nội dung cập nhật kiến thức năm 2022 cho các thẩm định viên về giá. Tổ chức ít nhất khoảng 8-10 khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành thẩm định giá mỗi năm; Tổ chức ít nhất khoảng 8-10 lớp cập nhật kiến thức thẩm định giá mỗi năm; Tổ chức 2 lớp ôn thi kiến thức thẩm định giá mỗi năm.

Hội phấn đấu mỗi năm kết nạp tối thiểu tăng thêm 10% hội viên là tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá và 10% hội viên là cá nhân; Đẩy mạnh phát triển hoạt động của Câu Lạc bộ Thẩm định giá Sài Gòn…


(0) Bình luận
Tin liên quan
Hội Thẩm định giá Việt Nam: Ba thành công vượt trội trong năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO