Theo một báo cáo gần đây được tờ CNBC trích dẫn, những người mua sắm các mặt hàng xa xỉ ngày càng trở nên giàu có và trẻ hơn. Số lượng sản phẩm được mua bởi thế hệ người tiêu dùng mới dự kiến sẽ tăng nhanh gấp ba lần so với các thế hệ cũ trong thập kỷ tới.
Mỏ vàng trẻ “lên ngôi”
Theo công ty theo dõi dữ liệu thị trường Bain & Company, Gen Y (những người sinh năm 1981-1996), hay còn được gọi là thế hệ Millennials, và Gen Z (những người sinh năm 1996-2010) đã chiếm toàn bộ tăng trưởng của thị trường các mặt hàng xa xỉ toàn cầu trong năm 2022.
Dự kiến, mức độ chi tiêu của Gen Z và thậm chí là Gen Alpha (những người sinh sau năm 2010) có thể sẽ chiếm 1/3 thị trường ngành công nghiệp “xa hoa” cho đến năm 2030.
Báo cáo của Bain & Company cũng cho biết người tiêu dùng gen Z đã bắt đầu mua hàng hiệu, bao gồm túi xách, đồng hồ, trang sức, quần áo,..khi mới 15 tuổi, sớm hơn từ 3 đến 5 năm so với thế hệ gen Y đi trước.
“Đến năm 2030, những người thuộc Gen Y, Z và Alpha có thể sẽ trở thành những người mua hàng xa xỉ lớn nhất từ trước đến nay, chiếm 80% lượng mua hàng xa xỉ trên toàn cầu”, theo báo cáo của Bain & Company. Thế hệ trẻ này chính là “mỏ vàng” mới của mọi thương hiệu trên thế giới.
LVMH là gã khổng lồ trong làng thời trang toàn cầu và trở thành doanh nghiệp có giá trị lớn nhất tại Châu Âu. Đế chế này sở hữu hơn 70 thương hiệu hàng xa xỉ, bao gồm Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy hay Marc Jacobs.
Trong vòng 16 năm (2006-2022), doanh thu và lợi nhuận sau thuế của LVMH đã tăng hơn 3 lần, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của họ. Còn sau 9 tháng đầu năm 2022, tập đoàn này đã có doanh thu lên tới hơn 56,5 tỷ euro và được định giá tới 329 tỉ USD. Chủ tịch và Giám đốc điều hành của LVMH, ông Bernard Arnault hiện đang là người giàu nhất thế giới với khối tài sản hơn 186,2 tỷ USD.
Với một thời đại đang “âm thầm” dịch chuyển, khách hàng mục tiêu của mặt hàng xa xỉ cũng đã thay đổi, đế chế LVMH cần có những chiến lược mới và có thêm những bộ sưu tập sản phẩm hướng đến đối thế hệ trẻ này để tối ưu hóa lợi nhuận và cập nhật xu thế.
Chưa hết, sức hấp dẫn của thương hiệu cao cấp đối với người tiêu dùng trẻ tuổi đã gắn liền với sự gia tăng của cải trong vài năm vừa qua. Song song là sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông mạng xã hội.
“Thế giới đã thay đổi, mạng xã hội bùng nổ. Gen Z đã khiến độ tuổi mua các mặt hàng xa xỉ trở nên trẻ hơn, từ 18 đến 20 tuổi. Và sau đó, trong những năm tiếp theo, lần đầu tiên, những người mua hàng xa xỉ có thể ở độ tuổi từ 15 đến 17”, ông Jan Rogers Kniffen, giám đốc điều hành của công ty tư vấn bán lẻ J Rogers Kniffen WWE cho biết.
Việc mua các mặt hàng đắt tiền như giày và túi xách hàng hiệu theo hình thức trực tuyến đã trở nên dễ dàng hơn so với những năm trước đây. Các thương hiệu bán đồ xa xỉ đã chấp nhận bán trên mạng và một loạt các trang web bán lại hàng hiệu đã qua sử dụng nhưng hiếm hoặc không sản xuất nữa cũng đã xuất hiện.
Bain & Company cũng cho biết công nghệ Web 3.0, bao gồm metaverse và NFT - một loại tài sản kỹ thuật số, sẽ giúp tăng doanh số bán hàng xa xỉ phẩm trong tương lai và giúp các sản phẩm này dễ tiếp cận với người dùng trẻ hơn.
Vị thế của ngành hàng xa xỉ
Doanh số bán xa xỉ phẩm cho đến nay hầu như không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề kinh tế vĩ mô như lạm phát cao, lãi suất tăng hay nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Bain & Co. ước tính rằng doanh số bán hàng xa xỉ cá nhân trên toàn cầu đã tăng 22% trong năm 2022, lên mức khoảng 381 tỷ USD, tương đương gần 9 triệu tỷ đồng.
Năm nay, doanh số bán hàng xa xỉ dự kiến sẽ tăng từ 3% đến 8%, tùy thuộc vào sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, kinh tế của Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác ở châu Âu.
Mỹ đã giành lại vị thế đứng đầu về doanh số bán hàng xa xỉ vào năm 2022, vượt qua Trung Quốc. Mức tăng trưởng doanh số tại quốc gia này đạt 25% với tổng doanh thu lên tới 121 tỷ USD (tương đương hơn 2,8 triệu tỷ đồng).
Doanh số bán các mặt hàng xa xỉ của Trung Quốc trong năm 2022 đã cho thấy mức giảm 1%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Châu Âu thì chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 27%, chủ yếu là nhờ lượng khách du lịch Mỹ chi tiêu cho hàng xa xỉ ở châu Âu tăng cao trong mùa hè.
Các loại phụ kiện thời trang, dẫn đầu là túi xách đã có mức tăng trưởng top 1 vào năm 2022. Mặt hàng này có thể sẽ tiếp tục dẫn đầu và thúc đẩy doanh số bán hàng xa xỉ trong những năm tiếp theo.
Doanh số bán đồ da cũng tăng từ 23% lên 25% vào năm 2022 và tăng hơn 40% so với mức trước khi đại dịch Covid bùng phát. Có thể nói, các sản phẩm mới và “hero products” (sản phẩm có doanh thu tốt, tính cạnh tranh cao) đã chiếm một phần không nhỏ trong sự tăng trưởng đó. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng lớn nhất lại đến từ việc tăng giá bán sản phẩm.
Ví dụ như chiếc túi Chanel small Classic Flap, hiện tại có mức giá cao hơn 60% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. 70% tăng trưởng doanh số bán hàng da trong năm 2022 đến từ việc tăng giá, theo thông tin ước tính từ Bain & Company.
Tổng hợp