Hòa Phát mở lại lò cao, cổ phiếu HPG tăng 35% sau hơn 1 tháng, BVSC đánh giá: Vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực

Tri Túc | 20:15 10/07/2023

Theo BVSC do độ trễ hàng tồn kho nên Công ty vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng nhờ chính sách giảm số lượng ngày tồn kho xuống chỉ còn khoảng 1,5-2 tháng giúp mức tác động tiêu cực của hàng tồn kho giá cao không quá lớn như giai đoạn trước đó nữa.

Hòa Phát mở lại lò cao, cổ phiếu HPG tăng 35% sau hơn 1 tháng, BVSC đánh giá: Vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực

Phiên giao dịch ngày 10/7/2023, dòng thép tiếp đà tăng điểm, ghi nhận hồi phục 30-35% trong vòng 1 tháng qua. Trong đó, mã HPG của Hoà Phát chốt phiên tại mức 27.700 đồng/cp, tăng 40% so với thời điểm đầu tháng 6. Mã NKG của Thép Nam Kim hay HSG của Hoa Sen cũng hồi phục đáng kể. Đặc biệt có POM của Thép Pomina biến động mạnh, cổ phiếu vừa trải qua đợt tăng mạnh trước thềm ĐHĐCĐ tới đây (dự biến bàn kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư chiến lược).

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận định, ngành thép và các doanh nghiệp đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Cùng với sự ấm dần của thị trường bất động sản, các bên đang ráo riết mở lại lò cao, nâng năng suất đón đầu nhu cầu sắp tới.

Biên lợi nhuận của các hãng tôn mạ sẽ hồi phục trong quý 2/2023

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo biên lợi nhuận của các hãng tôn mạ sẽ hồi phục trong quý 2/2023 nhờ các đơn hàng với giá thép cuộn cán nóng (HRC) cao đã chốt trong quý trước đó.

Quý 1/2023, biên lợi nhuận các doanh nghiệp thép có dấu hiệu hồi phục nhờ giá thép hồi phục và các doanh nghiệp giảm trích lập hàng tồn kho khá mạnh mẽ. Sang quý 2/2023, giá thép lại quay đầu giảm có ảnh hưởng đến doanh nghiệp, song giá HRC giảm vẫn giúp củng cố biên lãi.

Với Hoà Phát, theo BVSC do độ trễ hàng tồn kho nên Công ty vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng nhờ chính sách giảm số lượng ngày tồn kho xuống chỉ còn khoảng 1,5-2 tháng giúp mức tác động tiêu cực của hàng tồn kho giá cao không quá lớn như giai đoạn trước đó nữa. BVSC ước tính biên lợi nhuận của HPG sẽ xấp xỉ quý 1/2023.

Với các hãng tôn mạ NKG và HSG, biên lợi nhuận sẽ hồi phục trong quý 2/2023 nhờ các đơn hàng với giá HRC cao đã chốt trong quý 1. Tuy nhiên, giá HRC lại giảm khá mạnh trong thời gian gần đây gây áp lực lên các đơn hàng vào cuối quý 2 và đầu quý 3/2023.

hpg-gia.png

Nhu cầu hồi phục chậm hơn dự báo

Về thị trường, theo BVSC, tiêu thụ nội địa vẫn đang ở mức thấp do ngành bất động sản vẫn đang gặp khó khăn khiến nhu cầu xây dựng, tiêu thụ thép bị suy giảm. Ngoài ra, nhu cầu xuất khẩu bị giảm mạnh cũng khiến nhu cầu tiêu thụ HRC suy giảm. Thép tiêu thụ nội địa gần 80% là thép xây dựng và HRC, còn lại là tôn mạ và ống thép. Dự báo, tiêu thụ thép xây dựng nội địa 2023 sẽ đạt 7,7 triệu tấn, giảm 8% so với 2022.

“Thị trường bất động sản trong nước khó khăn nhưng nhờ nhu cầu tiêu thụ thép dân dụng của các hộ gia đình và nhu cầu thép đầu tư công tăng trưởng trong năm 2023 giúp mức giảm không quá lớn”, BVSC cho biết.

Trong khi, thị trường xuất khẩu cũng chưa thực sự khả quan. Hiện, HRC và tôn mạ chiếm khoảng 80% sản lượng thép xuất khẩu, còn lại là thép xây dựng và ống thép. Dự báo, tiêu thụ thép tại các khu vực quốc gia phát triển giảm mạnh khiến sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam bị suy giảm trong năm 2022.

“Nhu cầu thép phục hồi chậm hơn dự kiến ban đầu của chúng tôi khiến giá bán khó hồi phục”, BVSC nhấn mạnh.

Công ty chứng khoán này cho rằng phải đến giai đoạn 2023-2024, nhu cầu mới hồi phục đáng kể và giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép cải thiện. Tuy nhiên, do triển vọng tiêu thụ khá ảm đạm nên mức hồi phục này sẽ không quá lớn và chưa quay lại mức biên lợi nhuận trung bình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hòa Phát mở lại lò cao, cổ phiếu HPG tăng 35% sau hơn 1 tháng, BVSC đánh giá: Vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO