Tuần trước, nhà sản xuất EV lớn nhất Trung Quốc giới thiệu mẫu Seagull tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải, gây sốc cho các nhà phân tích cũng như đối thủ với thông số của chiếc xe: tầm hoạt động hơn 300 km trong khi giá bán chỉ hơn 11.000 USD – bằng khoảng 1/4 so với hầu hết những chiếc xe điện đang bán tại châu Âu.
“Seagull là minh chứng cho năng lực cạnh tranh về giá của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc”, nhà phân tích Adam Jonas từ Morgan Stanley cho biết trong một bản ghi chú gửi các nhà đầu tư. Tesla của Elon Musk đã giảm giá xe tại Mỹ lần thứ 6 kể từ đầu năm nhằm kích cầu, trong bối cảnh bất ổn kinh tế và cạnh tranh ngày càng tăng.
Nhưng triển lãm Thượng Hải và chiếc Seagull làm nổi bật lên một vấn đề khác: Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về khả năng sản xuất xe điện có khả năng cạnh tranh về giá và công nghệ với ngân sách trung bình.
Nhiều mẫu xe của BYD và các nhà sản xuất Trung Quốc khác sẽ hướng đến châu Âu, Đông Nam Á và các thị trường nước ngoài, đe dọa các nhà sản xuất ô tô truyền thống – nhiều vị CEO và các nhà phân tích dự đoán.
Patrik Koller, CEO của nhà cung cấp ô tô Pháp Faurecia cho biết thị trường EV cấp thấp ở châu Âu vô cùng rộng mở cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. “Tôi nghĩ một chiếc xe hấp dẫn với người tiêu dùng Trung Quốc sẽ đủ hấp dẫn với người tiêu dùng châu Âu”, ông nói với Reuters.
Koller cho hay ông đã gặp CEO hoặc chủ tịch của hơn 20 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tại Thượng Hải. Nhiều người trong số này cho biết họ đang tìm cách xuất khẩu xe sang châu Âu. Do “lợi thế cạnh tranh tuyệt vời” của họ, Koller dự đoán các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể bán 1 triệu xe mỗi năm ở châu Âu, tương đương 8% thị phần (năm 2022).
Nio, công ty cạnh tranh với những đối thủ như BMW bằng những chiếc ô tô điện cao cấp ở Trung Quốc, cho biết trong tuần này sẽ tung ra một thương hiệu EV mới, giá cả phải chăng hơn với thị trường mục tiêu đầu tiên là châu Âu. Họ cũng đang “đánh giá” thị trường Mỹ.
“Nếu trải nghiệm người dùng chúng tôi cung cấp cho người dùng châu Âu đủ tốt bằng cách nào đó, chúng tôi có thể cạnh tranh”, Qin Lihong – chủ tịch của Nio cho biết. “Chúng tôi sẽ có miếng bánh của mình”.
Zeekr, một thương hiệu EV cao cấp của Geely, cho biết sẽ có mặt ở hầu hết thị trường châu Âu vào năm 2026.
Các nhà sản xuất ô tô lâu đời khác đang tận dụng chuỗi cung ứng cạnh tranh hơn của Trung Quốc để sản xuất xe tại đây. Ví dụ, BMW xuất khẩu mẫu iX3 của mình từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và châu Âu.
Dacia của Renault vận chuyển mẫu Spring EV, một chiếc hatchback giá mềm giống BYD Seagull, tới châu Âu và hiện là nhà xuất khẩu EV lớn thứ 2 từ Trung Quốc sau Tesla. Tesla đã chuyển hơn 271.000 chiếc Model Y và Model 3 từ nhà máy ở Thượng Hải vào năm ngoái tới châu Âu và các thị trường khác, chiếm khoảng 1/5 doanh số bán hàng của hãng.
Tuy nhiên, lượng xuất khẩu lớn nhất vẫn đến từ các nhà sản xuất ô tô nội địa Trung Quốc. Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2020-2022 lên 2 triệu xe. Con số này có thể tiếp tục tăng lên 3 triệu xe trong năm nay nếu tốc độ của quý I tiếp tục được duy trì.
Dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Trung Quốc cho thấy, lượng xuất khẩu của BYD đã tăng gấp 4 lần vào năm ngoái, đạt gần 56.000 xe.
BYD chưa công bố kế hoạch xuất khẩu chiếc Seagull – model có giá thấp hơn chiếc EV bán chạy nhất của hãng là Dolphin. BYD Dolphin có giá từ 116.800 nhân dân tệ (17.000 USD) tại Trung Quốc. BYD sẽ bắt đầu bàn giao chiếc Dolphin tại châu Âu từ quý IV/2023.
“Có lẽ chúng ta sẽ sớm thấy những chiếc xe này tại Rome, Warsaw hoặc Lisbon”, Jonas của Moragn Stanley nói về chiếc Seagull. “Không có gì ngạc nhiên khi Tesla sẽ tiếp tục giảm giá”.