Hàng loạt mã mất nửa giá trị kể từ đầu năm, cổ phiếu ngân hàng liệu đã rẻ?

Quốc Thụy | 10:40 13/10/2022

Dù hồi phục mạnh trong phiên giao dịch 12/10, nhiều mã ngân hàng vẫn còn cách xa mức giá đóng cửa năm 2021.

Hàng loạt mã mất nửa giá trị kể từ đầu năm, cổ phiếu ngân hàng liệu đã rẻ?

Cổ phiếu ngân hàng vừa trải qua phiên tăng giá mạnh nhất trong vòng 3 tháng qua với nhiều mã tăng trần. Tuy nhiên, do nhịp điều chỉnh sâu trước đó, hàng loạt cổ phiếu nhóm này đã mất trên dưới 50% giá trị so với mức đóng cửa cuối năm 2021 (giá đã điều chỉnh).

Giảm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay là BVB của Ngân hàng Bản Việt khi lao dốc hơn 57%, khiến vốn hóa bốc hơi 7.200 tỷ đồng.

SHB cũng giảm sâu 55% xuống còn 10.050 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này đã xuống dưới mệnh giá trong phiên giao dịch 11/10.

Danh sách các cổ phiếu mất một nửa giá trị từ đầu năm còn có các ngân hàng tên tuổi trên HSX như OCB, MSB, TCB, LPB, TPB. Nhịp sụt giảm này khiến vốn hóa của các nhà băng này ''bốc hơi'' hàng chục nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, không ít cổ phiếu ngân hàng khác ghi nhận mức giảm hơn 40% như ABB (-47%), STB (-46%), VIB, VAB, PGB (-44%), NAB (-43%). 

Trong khi EIB là mã ngân hàng duy nhất tăng giá so với cuối năm trước với tỷ suất sinh lời là 10%, riêng 1 tháng gần đây, thị giá cổ phiếu này đã tăng hơn 20%. EIB là cổ phiếu hiếm hoi đi ngược xu hướng thị trường chung nhờ câu chuyện riêng liên quan đến sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của Eximbank.

Tính chung, 27 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đã giảm bình quân 32%, khiến vốn hóa toàn ngành mất hơn gần 612.000 tỷ đồng, tương đương 25,5 tỷ USD.

z3795849675317_5e19075e505ecb9865431e8a35a3d67c.jpg

Cổ phiếu ngân hàng lao dốc mạnh từ đầu năm đến nay khi giới đầu tư lo ngại về triển vọng ngành ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu gia tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh, xu hướng siết chặt quản lý thị trường trái phiếu, chứng khoán và đặc biệt nguy cơ thu hẹp lợi nhuận do lãi suất huy động tăng.

Cụ thể, ngay sau khi, NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, các ngân hàng đã đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn ngắn được nhiều ngân hàng niêm yết ở mức tối đa cho phép và lãi suất các kỳ hạn dài cũng được đẩy lên trên 7,5%, thậm chí hơn 8%. Trong khi đó, NHNN tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Giới phân tích cho rằng tăng lãi suất chính là làm tăng giá nguồn vốn đầu vào của các ngân hàng. Nếu không tăng được lãi suất đầu ra tương ứng với phần lãi suất huy động đầu vào tăng thêm, biên lãi ròng (NIM) ngân hàng sẽ bị kéo giảm. Ngoài ra, lãi suất tăng cũng làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tác động đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng; qua đó gây sức ép làm tăng nợ xấu ngân hàng.

Dù vậy, sau nhịp giảm sâu vừa qua, không ít quan điểm cho rằng cổ phiếu nhóm ngân hàng đã xuống vùng giá hấp dẫn.

Trong báo cáo triển vọng mới phát hành, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã thay đổi quan điểm từ TÍCH CỰC sang TRUNG LẬP đối với ngành ngân hàng trong quý IV với nguyên nhân chính đến từ lo ngại về xu hướng tăng của lãi suất và dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều.

Theo KBSV, giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã có sự hồi phục tốt trong tháng 7 và 8 với mức tăng từ 15-20% tùy từng ngân hàng để phản ánh kỳ vọng trong nửa cuối năm cùng mức room tín dụng mới. Tuy nhiên, từ giữa tháng 8 tốc độ tăng đã chậm lại và có dấu hiệu điều chỉnh dưới tác động của tình hình kinh tế vĩ mô kém khả quan, tốc độ giải ngân tín dụng bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và những áp lực từ việc tăng lãi suất quay trở lại. Dù vậy, KBSV vẫn đánh giá nhóm ngân hàng đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Tương tự, Bộ phận phân tích Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cho rằng ngành ngân hàng sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong dài hạn nhờ quá trình chuyển đổi số trong hệ thống đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư. Cùng với đó, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.

Tại hội thảo chiến lược đầu tư quý IV/2022, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cho rằng nhóm ngành ngân hàng đang bị ảnh hưởng nặng bởi thông tin xử lý sai phạm trong nền kinh tế, lực bán khiến nhiều cổ phiếu giảm sàn. “Tôi thấy chưa bao giờ cổ phiếu ngân hàng rẻ như thế trong hai năm trở lại đây. Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm nay trên mức 30%, rất nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý III khả quan. Đây là cơ hội vàng để sở hữu cổ phiếu ngân hàng tròng vòng 1 năm tới”, Phó Tổng Giám đốc CSI đánh giá.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hàng loạt mã mất nửa giá trị kể từ đầu năm, cổ phiếu ngân hàng liệu đã rẻ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO