CTCP Tập đoàn Casper Việt Nam vừa công bố tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm với khoản lãi sau thuế gần 35 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ hơn 25 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, theo báo cáo riêng công ty mẹ, Casper Việt Nam vẫn còn lỗ sau thuế 13 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cùng kỳ năm 2022 lỗ 816 triệu đồng.
Tính đến thời điểm 30/6/2023, vốn chủ sở hữu hợp nhất của Casper hơn 564 tỷ đồng. Được biết, con số này giảm mạnh do năm 2022 Casper lỗ hợp nhất. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 4,09; tương đương nợ phải trả Casper hiện vào mức 2.307 tỷ đồng. Hệ số nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu 0,53; tương đương dư nợ trái phiếu Công ty xấp xỉ 300 tỷ đồng.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2022, nợ phải trả của Casper Việt Nam là 3.250 tỷ đồng. Đến 30/06/2023, số nợ này đã giảm xuống còn 2.306 tỷ đồng, như vậy phần nợ này đã giảm 30%. Trong đó, phần vay ngắn hạn từ ngân hàng đã giảm 40% từ 1.700 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022 xuống còn 956 tỷ đồng tại thời điểm 30/06/2023.
Về Casper, đây là thương hiệu điện máy đến từ Thái Lan được thành lập từ năm 2016. Hãng có mặt tại Việt Nam ngay năm đầu thành lập, hiện có hệ thống phân phối và dịch vụ trực tiếp, gián tiếp hơn 10.000 điểm.
Các sản phẩm chủ lực của Casper phân phối tại thị trường Việt Nam được sản xuất, lắp ráp tại các nhà máy ở hai thành phố của Thái Lan và được nhập khẩu nguyên chiếc.
Từ 2020, bên cạnh dòng chủ lực là điều hoà, Casper đã phát triển thành công ty điện máy kinh doanh tủ lạnh, ti vi...
Là một thương hiệu non trẻ trên thị trường điện máy trong nước nhưng Casper Việt Nam đã nhanh chóng nắm giữ "miếng bánh lớn" trong thị phần. Điều này lý giải cho chỉ số tài chính liên tục thua lỗ những năm về trước, chi mạnh để tăng thị phần khiến Casper đối mặt với áp lực chi phí.
Đỉnh điểm năm 2022, dù doanh thu tăng 19% lên 5.600 tỷ đồng, song Casper bất ngờ báo lỗ sau thuế hợp nhất 467 tỷ đồng. Theo đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp năm qua giảm một nửa từ gần 1.008 tỷ đồng xuống còn 531,5 tỷ đồng.
Phía doanh nghiệp cho biết, phần lỗ đến từ tổng chi phí hỗ trợ bán hàng tăng 58% lên 1.095 tỷ đồng. Chi phí này hỗ trợ giá, chiết khấu đại lý và kênh phân phối, từ đó giúp giảm giá bán đến tay người tiêu dùng.
Đến nay, theo số liệu từ đơn vị nghiên cứu thị trường quốc tế, Casper Việt Nam đứng số một thị phần điều hòa ở Việt Nam trong tháng 6/2023 với 23% thị phần, tăng 1,4% so với tháng trước, tỷ lệ cách biệt 3% so với vị trí thứ 2. Mặt hàng bán chạy nhất của Casper thuộc phân khúc bình dân.
Đứng ở vị trí thứ 2 và 3 trong bảng xếp hạng là các thương hiệu Nhật Bản với tỷ lệ lần lượt là 20,4% và 15,1%.
Trong tháng 6/2023, các thị trường của Casper Việt Nam đều tăng trưởng mạnh, trong đó có Hà Nội (5,5%), Đà Nẵng (7,9%), Tp.HCM (3,7%). Trước đó, vào tháng 5, Casper cũng nắm giữ vị trí đầu bảng với 21,6% thị phần, đánh dấu bước chuyển để vượt qua các thương hiệu khác trên thị trường.